Vào đầu tháng này, cơ quan quản lý tên miền quốc tế và Internet ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) đã công nhận P.A Việt Nam là nhà đăng ký tên miền quốc tế (Registrar). Trước đó, một công ty công nghệ trong nước khác là Mắt Bão cũng đã trở thành thành viên của ICANN. Thời báo Vi tính Sài Gòn đã trao đổi với ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mắt Bão, về cơ hội kinh doanh lẫn những khó khăn khi tham gia thị trường tên miền.
Ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão
TBVTSG: Để trở thành nhà đăng ký của ICANN, doanh nghiệp phải tốn một khoản phí không nhỏ. Vậy ông đánh giá lợi ích từ việc này ra sao?
Ông Lê Hải Bình: - Đặc thù của ngành kinh doanh tên miền là việc kinh doanh mang tính trực tuyến, do đó thị trường sẽ mang tính chất toàn cầu. Để trở thành nhà đăng ký của ICANN, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt liên quan đến vấn đề bảo mật và an toàn thông tin, bên cạnh đó tình hình tài chính phải ổn định và có bảo hiểm trách nhiệm thương mại…
Là nhà đăng ký, doanh nghiệp sẽ có nhiều đặc quyền hơn đại lý (Reseller) trong việc phục vụ khách hàng và các đối tác kinh doanh. Một trong những đặc quyền đó là lấy lại tên miền cho khách hàng nếu tên miền đó đã bị lấy cắp và hỗ trợ họ giải quyết vấn đề khi có tranh chấp xảy ra.
Có ý kiến cho rằng tỷ suất lợi nhuận của hoạt động này khá thấp, chỉ khoảng 1%. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, liệu việc đầu tư kinh phí lớn để trở thành nhà đăng ký có là một kế hoạch khả thi đối với công ty ông?
- Với mỗi tên miền quốc tế bán ra, nhà đăng ký có lãi khoảng 20 ngàn đồng, trong khi chi phí vận hành hệ thống và đầu tư cho khâu nhân sự không nhỏ. Chỉ riêng chi phí để trở thành nhà đăng ký của ICANN đã hơn 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ câu chuyện của công ty mình, tôi cho rằng các doanh nghiệp tên miền đầu tư để trở thành nhà đăng ký của ICANN vì hai lý do.
Thứ nhất, đặc thù của ngành này là thông qua việc kinh doanh tên miền, doanh nghiệp sẽ chào bán các dịch vụ đi kèm như hosting, e-mail, máy chủ lưu trữ… Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay, những dịch vụ trực tuyến đang được khách hàng quan tâm nhiều hơn. Do đó, nhà cung cấp tên miền cần tạo niềm tin nơi khách hàng, và việc trở thành thành viên của ICANN là một trong những yếu tố giúp tăng sức cạnh tranh cho nhà cung cấp nội địa như chúng tôi. Trên thực tế, đang có nhiều doanh nghiệp cung cấp tên miền nước ngoài tham gia thị trường tên miền ở Việt Nam. Mặc dù hình thức hoạt động của họ ở Việt Nam chỉ là đại lý nhưng họ vẫn có nhiều lợi thế khi các công ty mẹ của họ ở nước ngoài vốn là nhà đăng ký của ICANN.
Thứ hai, theo ước tính riêng của tôi, đến thời điểm hiện tại, bốn nhà cung cấp tên miền trong nước như Mắt Bão, P.A Việt Nam, Nhân Hòa và DigiPower chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, phần còn lại thuộc về các đại lý của các nhà đăng ký quốc tế như Go Daddy, E NOM, OnlineNIC… Điều này cũng có nghĩa là dòng tiền thu từ các dịch vụ đi kèm tên miền cũng được chuyển ra nước ngoài. Như vậy, nếu không đầu tư một cách bài bản cho hoạt động kinh doanh của mình thì chúng tôi sẽ thua ngay trên sân nhà. Ngược lại, với lợi thế về mặt địa lý, khi trở thành nhà đăng ký chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng trong nước tốt hơn, từ đó kéo dòng tiền thu từ dịch vụ tên miền và các dịch vụ đi kèm luân chuyển trong thị trường Việt Nam.
Sau khi trở thành nhà đăng ký của ICANN, dịch vụ đăng ký tên miền của công ty có những chuyển biến gì về mặt chất lượng hay không, thưa ông?
- Sáu tháng sau khi Mắt Bão trở thành nhà đăng ký của ICANN (vào tháng 6-2012), số lượng tên miền được kinh doanh đã tăng lên hơn 50% so với năm 2011. Hiện nay, hoạt động kinh doanh tên miền có mức tăng trưởng bình quân hằng tháng là 20%. Đây là dấu hiệu tích cực vì kể từ lúc cung cấp dịch vụ đến nay hoạt động truyền thông của chúng tôi vẫn tập trung vào các khách hàng đã đăng ký trước thời điểm Mắt Bão trở thành thành viên của ICANN. Từ quý 3 năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh khâu truyền thông đến đối tượng khách hàng mới – vốn là những doanh nghiệp thường chọn các nhà đăng ký nước ngoài.
Vậy thị trường tên miền trong nước trong thời gian tới sẽ như thế nào, khi đã có hai doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà đăng ký của ICANN ?
- Theo thông tin mà tôi tìm hiểu được, hiện một số doanh nghiệp khác cũng đang xúc tiến việc trở thành nhà đăng ký của ICANN. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, việc các nhà kinh doanh tên miền trong nước muốn trở thành nhà đăng ký của ICANN nhằm mục đích gia tăng năng lực và sức cạnh tranh với các nhà kinh doanh quốc tế chứ không hẳn để cạnh tranh lẫn nhau. Bởi trong ngành này, khách hàng trong nước thường không quan tâm nhiều đến việc thay đổi nhà cung cấp, vì thế thị phần của các nhà cung cấp nội địa cũng không vì thế mà có sự thay đổi đáng kể.
Sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam trong thời gian gần đây có ảnh hưởng như thế nào đến ngành kinh doanh tên miền, thưa ông ?
- Có thể tạm chia khách hàng doanh nghiệp của chúng tôi thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất chuyên kinh doanh trực tuyến, nhóm thứ hai hoạt động trong lĩnh vực thương mại truyền thống. Nhóm khách hàng thứ hai đang chiếm tỷ lệ áp đảo so với nhóm thứ nhất, trong đó, số lượng khách hàng doanh nghiệp quan tâm đến những cơ hội mà Internet mang lại cho họ vẫn chưa nhiều.
Theo đó, nhóm thứ nhất là khách hàng cơ bản của dịch vụ tên miền và các dịch vụ đi kèm, tuy nhiên sự tăng trưởng từ nhóm này không nhiều. Thị trường kinh doanh tên miền và các dịch vụ đi kèm chỉ tăng trưởng đột biến khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp từ nhóm thứ hai dịch chuyển sang nhóm thứ nhất. Câu chuyện này cũng tương tự như việc các siêu thị đang tìm cách thu hút khách hàng của các ngôi chợ truyền thống vậy.
Công Sang thực hiện
Link bài viết: www.tbvtsg.com.vn/show_article.php?id=19718&ln_id=202