"Việc nghe lén bắt nguồn từ IMEI chứ không phải từ SIM nên để không còn bị nghe lén, 14.000 trường hợp này chỉ còn cách thay máy. Vấn đề tế nhị nên có công bố công khai hay không phải rất cân nhắc".
Đại tá Dương Văn Giác (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Chiều 1/7 Công an Hà Nội và Sở TT&TT đã thông tin với báo chí về vụ Công ty Việt Hồng tổ chức nghe lén 14.000 điện thoại.
Đại tá Dương Văn Giác - Trưởng phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội cho biết, linh kiện để thực hiện hành vi này được rao bán công khai trên mạng và ở ngoài chợ. 3 tháng trước, Công an thành phố Hà Nội đã bắt một cơ sở kinh doanh điện thoại ở quận Đống Đa, thu trên 700 thiết bị về camera, nghe trộm, ghi hình, cài đặt. “Giám đốc Công an Hà Nội đang chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt với lực lượng hải quan, quản lý thị trường, cửa khẩu để ngăn chặn thiết bị này. Hiện vẫn chưa có chế tài xử lý vì người ta nói đó là đồ chơi, phục vụ cho việc giám sát con cái trong việc học hành mà không có ý đồ xấu”.
Đại tá Dương Văn Giác cho biết, thời gian tới Công an thành phố Hà Nội sẽ làm quyết liệt xử lý người kinh doanh mua bán thiết bị này. Sáng cùng ngày, giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tất cả các lực lượng phải rà soát lại toàn bộ các đơn vị kinh doan trên địa phương, rà soát lập hồ sơ báo cáo ngay, nếu có vi phạm sẽ triệt phá ngay trong thời gian tới.
Theo quy định không một cơ quan đơn vị nào được phép nghe lén về những vấn đề liên quan đến đời tư cá nhân cả, trừ những trường hợp đặc biệt được cho phép. Đặc biệt không chỉ người tổ chức nghe lén mà ngay cả người đi thuê để nghe lén cũng đều vi phạm và đều phải xử lý, còn xử thế nào cần phải xem xét.
Qua kiểm tra 40 điện thoại đầu tiên bị nghe lén, ông Dương Văn Giác cho biết, phần lớn các trường hợp này để liên quan đến đời tư, chứ chưa liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là lời cảnh tỉnh cho những công ty viết bán phần mềm. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên đi thuê người khác cài phần mềm nghe lén điện thoại của người khác vì điều này cũng là vi phạm pháp luật.
Đối với trách nhiệm của nhà mạng hiện giờ chưa có căn cứ xử lý. Việc xử lý thế nào phải điều tra xem trách nhiệm đến đâu. Bên cạnh đó đến giờ vẫn chưa có căn cứ nào chứng minh giám đốc Công ty Việt Hồng có liên quan đến vi phạm trong vụ án này.
“Việc xử lý từng trường hợp cụ thể thế nào còn tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan điều tra còn phải trích máy chủ xem nội dung các cuộc nghe lén đó thế nào. Tòa sẽ xác định khung hình phạt của từng đối tượng”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên có nên công bố công khai 14.000 điện thoại bị nghe lén, ông Giác cho biết đây là vấn đề tế nhị. "Nếu vợ hoặc chồng biết mình bị nghe trộm sẽ bỏ nhau luôn. Có công bố hay không phải xin ý kiến của lãnh đạo”.
Theo Trưởng đoàn thanh tra Công ty Việt Hồng, bà Trần Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc tổ chức nghe lén điện thoại được thực hiện qua IMEI chứ không phải sim điện thoại nên trường hợp thay sim vẫn bị theo dõi. Do vậy muốn không bị theo dõi chỉ còn cách thay máy điện thoại.
Việc cài đặt nghe lén thường được thực hiện theo 3 cách: Phần mềm này đã tồn tại từ trước khi đến tay chủ sở hữu máy điện thoại; chủ sở hữu bị chiếm dụng trong thời gian rất ngắn; trong quá trình sử dụng có thể do bất cẩn, tải phần mềm không rõ nguồn gốc. Bộ Thông tin và Truyền thông đang có dự thảo Luật an toàn thông tin sẽ khắc phục được tình trạng này.
Để bảo quản thiết bị của mình, bà Huệ khuyến cáo chủ thuê bao điện thoại nên quét phần mềm gây hại, không tải phần mềm không rõ nguồn gốc trên các kho dữ liệu trên mạng.
Nguồn: ICTNews