Laptop bị hỏng nhẹ, sau khi đi sửa về chạy được vài ngày thì không dùng được nữa.
Sơ sẩy là “luộc”
Chị Hoàng Anh, nhân viên văn phòng (Q.1, TP.HCM) do bất cẩn trong quá trình sử dụng nên chiếc laptop hiệu Dell bị hỏng ổ cứng và card màn hình. Chị đem máy tính đến cửa hàng sửa chữa laptop gần nhà để sửa lại. “Khi giao máy, tôi kiểm tra kỹ tem, ghi lại số seri của linh kiện... phòng ngừa chuyện bị “luộc” đồ".
Sau 3 ngày, đến lấy máy thì thấy tem vẫn còn nguyên, các linh kiện không có gì thay đổi. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đem về nhà sử dụng thì laptop bị treo liên tục. Đem đến công ty bảo hành thì mới biết nhiều linh kiện đã bị “luộc”. Tức tốc đến cửa hàng cũ để đòi lý lẽ nhưng chủ cửa hàng khăng khăng không làm chuyện đó, tôi đuối lý đành bỏ cuộc”, chị Hoàng Anh bức xúc.
Linh kiện laptop rất dễ bị “luộc”
Chị Tuyết Linh, nhân viên kế toán (Q.Tân Bình, TP.HCM) bức xúc khi chiếc máy tính hiệu Vaio trị giá hơn 20 triệu đồng vừa được chồng tặng đã bị một cửa hàng sửa chữa laptop “luộc” hết linh kiện xịn. Máy tính bị thay thanh Ram 4GB bằng thanh Ram cũ 1GB, card WiFi xịn có tích hợp Bluetooth thay bằng loại card rởm.
Theo tiết lộ của T.V.P, kỹ thuật viên sửa chữa laptop tại một cửa hàng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), việc bóc tem dễ như trở bàn tay. Người thợ chỉ cần dùng máy sấy làm nóng tem, chờ lớp keo bên dưới mềm rồi lấy lưỡi lam cạy nhẹ ra. Mỗi loại tem có cách bóc khác nhau, kể cả loại khó “xơi” như loại tem bảo hành có thể rách vẫn bóc ra được bằng cách trên.
Sau khi giải quyết hết tem, thợ có thể thích “luộc” linh kiện nào thì tuỳ ý rồi dán tem lại. Khách hàng khó phát hiện được. Khách hàng đã mang máy về nhà rồi quay lại bắt đền rất khó vì “được vạ thì má cũng sưng”.
Những cách để bảo vệ máy
Đa số thợ sửa yêu cầu khách để lại laptop rồi tìm cơ hội “luộc”đồ. Một nhân viên máy tính tiết lộ sau khi khách giao máy, chỉ vài động tác cắt dây, máy tính sẽ trở nên vô dụng. Lúc này, thợ nói sao khách phải nghe vậy. Sau khi khách đi khỏi, thợ mới nối lại đây, tìm các linh kiện có giá trị để “luộc”. Thông thường món được ưa thích nhất của các chuyên gia “luộc” đồ là CPU, WiFi card, đầu đọc DVD... Ngoài ra, thanh RAM, nguồn, bộ tản nhiệt, ổ cứng HDD...cũng là những món “luộc” ưa thích.
Chiêu “luộc” linh kiện laptop đang là nguồn sống của nhiều cửa hàng dịch vụ sửa chữa laptop hiện nay. Để tránh rơi vào tình trạng trên, anh Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia máy tính Công ty Công nghệ NetSecz (Q.Phú Nhuận,TP.HCM) đưa ra lời khuyên: “Trước khi giao máy, khách nên ghi lại cấu hình máy có cả số serial của từng bộ phận, thời gian giao, nhận và giữ bản sao, nên kí vào linh kiện theo kiểu giáp lai. Khi nhận máy, khách không nên chỉ tập trung vào xem tem và mác, mà cần chú ý đến tất cả các linh kiện của máy, nếu thấy dấu hiệu bất thường phải yêu cầu họ giải thích ngay”.
Dịch vụ sửa chữa laptop hiện đang bát nháo thật giả, người sử dụng laptop cần phải tỉnh táo khi giao chiếc laptop của mình cho người khác. Ông Nguyễn Minh Quang, chuyên gia công nghệ Công ty phần mềm và dịch vụ CNTT TMA solutions (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay, nếu người sử dụng laptop không rành về máy tính, không có người quen am hiểu về kỹ thuật thì nên đem laptop đến trung tâm, công ty bảo hành chính hãng hoặc các cửa hàng cứu hộ máy tính uy tín để sửa lại máy. Tuy giá cả dịch vụ tại các nơi này hơi đắt nhưng khách hàng sẽ an tâm vì chất lượng dịch vụ luôn được đảm bảo.
Nhận diện cửa hàng dỏm
Các cửa hàng uy tín, dịch vụ chất lượng, nhân viên khi nhận máy sẽ thông báo kỹ các linh kiện quan trọng của máy. Biên nhận cho khách hàng sẽ được nhân viên ghi đầy đủ các mã số, ký hiệu của máy... Đối với các cửa hàng dỏm, nhân viên tại đây chỉ chăm chăm vào chuyện giữ máy lại, không đả động đến các mã số, ký hiệu của máy, nếu có ghi thông tin cũng rất sơ sài.
Nguồn: Người Đưa Tin