Tin tức & Sự kiện
news & event
25 03 / 2017

TALK SHOW QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TẠI MẮT BÃO

Ngày 24/3/2017 vừa qua, chương trình Talk show Quản trị doanh nghiệp do CLB doanh nhân 2030 tổ chức đã diễn ra tại Mắt Bão với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp trong khu vực TP.HCM.
Chuyên đề xoay quanh việc quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quản trị dòng tiền, với mọi doanh nghiệp, luôn là một yếu tố rất quan trọng mà nếu không lường được, doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) rất dễ rơi vào khó khăn, khủng hoảng.

Tại buổi Talk Show, bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam, chia sẻ ba yếu tố chính doanh nghiệp cần lưu ý trong quản trị dòng tiền.

17498876_1455400204492443_4422324160052874412_n.jpg
Bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam chia sẻ trong hội thảo

Theo bà Hương, yếu tố đầu tiên doanh nghiệp cần quan tâm chính là việc chọn lựa và cân bằng giữa các phân khúc khách hàng. Bởi việc lựa chọn phân khúc khách hàng ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp. Việc cân bằng giữa các phân khúc khách hàng không chỉ giúp doanh nghiệp quản trị tốt dòng tiền mà còn là một lợi thế để doanh nghiệp thương lượng cùng nhà đầu tư trong bài toán định giá doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ An Cường cho biết khi VinaCapital đầu tư vào An Cương năm 2016, đầu tiên, họ định giá công ty 70 triệu đô la Mỹ. Sau thương lượng, hai bên thống nhất công ty được định giá 110 triệu đô la Mỹ, trong đó, riêng yếu tố cân đối giữa các phân khúc khách hàng góp phần nâng giá trị của An Cường thêm 10 triệu đô la Mỹ.

Câu chuyện trên phù hợp với doanh nghiệp có các nhóm khách hàng đa dạng. Với doanh nghiệp chuyên kinh doanh với doanh nghiệp theo kiểu B2B (Business to busibess), bà Hương gợi ý  cần phải cân đối giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Lấy ví dụ của P&G và Unilever, bà Hương phân tích thêm, cả hai doanh nghiệp này đều gặp phải những khó khăn về bài toán quản trị dòng tiền khi tập trung vào các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ. Từ bài học đó, họ thay đổi chiến lược khi vào thị trường châu Á. Tại Việt Nam, các bạn đừng nghĩ rằng những nhà bản lẻ lớn như Big C, VinMart, Metro... có được hợp đồng với Unilever hay P&G tốt hơn so với các cửa hàng tạp hóa. Hai nhà sản xuất lớn này luôn có những chính sách đảm bảo cho hệ thống cửa hàng tạp hóa sống tốt.

Sau yếu tố phân khúc khách hàng, hai yếu tố còn lại được bà Hương đề cập đến đó là điều khoản thanh toán và quản lý các khoản phải thu.

Với điều khoản thanh toán, bà Hương gợi ý, trong thực tế, khi doanh nghiệp nhỏ bán hàng cho doanh nghiệp lớn hơn, họ thường phải tuân theo các hợp đồng mẫu của doanh nghiệp lớn đưa ra. Tuy vậy, doanh nghiệp nhỏ nên có chính sách cụ thể để khuyến khích nhân viên kinh doanh của mình biết và dám đấu tranh với các điều khoản thanh toán trong hợp đồng mẫu sao cho đem lại lợi ích nhất cho doanh nghiệp.

Với yếu tố quản lý các khoản phải thu, ngoài câu chuyện quản lý trên hồ sơ, dữ liệu, như lập kế hoạch dòng tiền đến, dòng tiền đi; lồng vào chính sách giá trong điều khoản hợp đồng để bù chi phí khi khách hàng thanh toán trễ hạn ..., việc thành lập một bộ phận chỉ chuyên đi đòi nợ là  điều mà các doanh nghiệp nên nghĩ đến.

Theo: thesaigontimes.vn