TBKTSG Online - Hiện nay nhu cầu về thiết kế trang web tăng trưởng mạnh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi nhiều doanh nghiệp ý thức được việc phải có một trang web bắt mắt, giao diện thân thiện, thu hút người dùng internet.
Qua đó, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh kênh thương mại điện tử, cũng như giúp doanh nghiệp có thêm một kênh tiếp thị trực tuyến hiệu quả.
Ông Phan Hoài Tâm, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Cánh Chim Việt, cho biết mới đây, ông vừa xây dựng xong ba trang web bán hàng trực tuyến, được tích hợp nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Trung Quốc… Bên cạnh đó, trang web của công ty ông được xây dựng lại với giao diện thân thiện hơn, đơn giản hóa các quy trình thanh toán trực tuyến trên trang web nhằm hỗ trợ khách hàng giao dịch tốt nhất khi truy cập trang web công ty.
Xu hướng mới
Theo ông Lâm Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina Design, nhu cầu thiết kế trang web hiện nay của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cao, khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp này đã ý thức hơn trong việc phải có một trang web với giao diện bắt mắt, nội dung hấp dẫn… để thu hút khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nhằm đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, càng làm cho thị trường trở nên sôi động.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho biết, xu hướng thiết kế trang web của doanh nghiệp có nhiều thay đổi so với những năm trước đây.
“Nếu những năm trước, doanh nghiệp chỉ yêu cầu Vina Design thiết kế làm sao cho trang web thật đẹp, chỉ chú trọng về mặt hình thức thì năm nay, nhu cầu của doanh nghiệp đã thực tế hơn. Ngoài những yếu tố về thẩm mỹ, doanh nghiệp rất quan tâm đến hiệu quả bán hàng mà trang web mang lại cho họ, hiệu quả về quảng bá thương hiệu, khả năng tiếp thị trực tuyến qua trang web…”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Mắt Bão Media, doanh nghiệp có hai xu hướng chính khi thiết kế trang web. Đầu tiên là bao gồm các doanh nghiệp chỉ cần một “bộ mặt” trên internet để họ giới thiệu về công ty, sản phẩm, dịch vụ của họ, những doanh nghiệp này thường không có chức năng hoặc chưa đầu tư cho kênh bán hàng trực tuyến.
Phần còn lại là các doanh nghiệp có nhu cầu bán hàng qua mạng internet, đã đầu tư nhiều cho kênh thương mại điện tử, muốn tận dụng cơ hội bán hàng qua trang web nhằm làm tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp.
“Năm ngoái, cứ khoảng 10 trang web mới ra đời thì có khoảng 3 trang web có tính năng thương mại điện tử như giỏ hàng, cổng thanh toán…, trong khi năm nay, 10 trang web thì đã có đến năm trang web thương mại điện tử, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ”, ông Duy nói.
Tiền nào của nấy
Theo ông Duy, khách hàng cần phân biệt một cách khách quan trang web như thế nào là rẻ, vì hiện nay các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thiết kế trang web thường đưa ra những mức giá rất thấp nhằm tiếp cận được với khách hàng, có thể từ 500.000 – 700.000 đồng/trang web.
Trong khi đó, một trang web không đơn thuần chỉ là giao diện bên ngoài mà bao gồm rất nhiều yếu tố khác như cấu trúc thiết kế, bảo mật, dịch vụ hậu mãi bảo trì trang web trong thời gian trang web đi vào hoạt động…
Nếu chỉ quan tâm đến mức giá ban đầu, khách hàng chỉ có thể mua được một phần rất nhỏ của trang web, còn những yếu tố phát sinh sau đó, có thể khách hàng sẽ phải thường xuyên tốn chi phí gấp 5, 10 lần so với giá ban đầu cho việc sửa chữa, khắc phục mà chưa chắc có thể sử dụng được lâu dài
Nguổn: Đình Nghĩa
The Saigon Times