Tin tức & Sự kiện
news & event
16 10 / 2015

Chưa có sự đồng nhất trong giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam

Ngày 15/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức “Hội thảo quốc tế về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ”.
Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện chính sách giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam phù hợp với xu thế chung của thế giới; khắc phục những bất cập trong việc sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý tranh chấp tên miền, hiện đang gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xử lý các vụ việc tranh chấp liên quan.
 
 hinh-1.jpg
Hội thảo quốc tế về giải quyết khiếu nại và tranh chấp tên miền do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/10.
 
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết: Việc tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, tên tác giả, tác phẩm là vấn đề thường gặp khi giải quyết các vụ việc tranh chấp tên miền do thông lệ chung quốc tế coi tên miền Internet và Sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực độc lập. Giải quyết vấn đề này, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau, thuộc về lĩnh vực quản lý của hai Bộ TT&TT và Bộ Khoa học&Công nghệ (KH&CN).
 
Trong các văn bản chuyên ngành TT&TT, các xung độ trong trường hợp, đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền tác phẩm, tác giả ... đều được coi là các vụ việc tranh chấp. Và các tranh chấp này đều được xử lý theo các hình thức gồm: Thông qua thương lượng, hòa giải; Thông qua trọng tài; Khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên, do Luật Sở hữu trí tuệ hiện còn tồn tại quy định coi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên các văn bản dưới Luật về vấn đề này do Bộ KH&CN quản lý lại đang áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có đưa nội dung xử lý thu hồi tên miền như là một biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP), có nghĩa là sử dụng biện pháp hành chính để xử lý vụ việc tranh chấp tên miền.
 
Chính vì thiếu sự đồng nhất trong cách nhìn nhận vấn đề này cũng như chế tài xử lý nên thực tiễn thời gian qua đã phát sinh nhiều rắc rối, tranh cãi liên quan đến sở hữu tên miền. Hệ quả là đã xảy ra trường hợp tổ chức, cá nhân khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước vì giải quyết tranh chấp tên miền theo quy định hành chính cứng nhắc, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Để giải quyết hài hoà vấn đề giữa quyền và lợi ích của các bên khi xung đột xảy ra, trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT, Bộ KH&CN phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch để thống nhất khi xử lý các vụ việc liên quan.
 
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho rằng: Trước khi xây dựng Thông tư, các bên liên quan cần thống nhất một số quan điểm chung, phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là việc đăng ký tên miền mà chưa đưa vào sử dụng là nhu cầu thực tế và chính đáng, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg. Theo đó, chỉ nên quy định trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền đối với chủ thể tên miền có hành vi đăng ký, sử dụng tên miền với dụng ý xấu, phản cảm, cung cấp dịch vụ hoặc chào bán sản phẩm, hàng hóa vi phạm. Còn các vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh theo quy định về Sở hữu trí tuệ-xử phạt hành chính theo các quy định về sở hữu trí tuệ chuyên ngành bởi thực tiễn cho thấy, việc xử lý vấn đề xung đột giữa tên miền mã quốc gia và sở hữu trí tuệ không thể là vấn đề của riêng quốc gia nào mà cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc công ty kinh doanh Mắt Bão nhấn mạnh: Theo thông lệ quốc tế, việc đăng ký tên miền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ và việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế sẽ không đồng thời có nghĩa là được bảo hộ tên miền trên internet. Trong khi đó, tên miền được đăng ký và cấp theo nguyên tắc “Đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Tuy nhiên, nhìn lại một số vụ giải quyết liên quan đến tranh chấp tên miền tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, tên miền lại liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và tên miền có thể phạt hành chính và thu hồi. Hay nói cách khác, việc giải quyết tranh chấp tên miền được thực hiện thông qua con đường hành chính cứng nhắc, chỉ thu hồi được tên miền Việt Nam “.vn” mà không thu hồi được tên miền quốc tế. “Điều này vừa không triệt để vừa không công bằng, cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế”- ông Thái cho hay.

Theo CAND