Tin tức & Sự kiện
news & event
23 08 / 2013

Đừng mong đợi quyền riêng tư khi dùng Gmail

Tuyên bố gây sốc này đã được Google đưa ra trong vụ kiện dai dẳng về quyền riêng tư của người dùng. Tuần trước, hệ điều hành Android cũng đã bị tiết lộ là vẫn theo dõi vị trí người dùng ngay cả khi đã tắt Wi-fi.

Theo DailyMail, Google đã đưa ra một tuyên bố cho biết người dùng KHÔNG NÊN mong đợi được bảo vệ  quyền riêng tư của mình khi sử dụng hoặc thậm chí là gửi mail đến một tài khoản Gmail.

Tuyên báo nói trên được đưa ra trong một phiên xử án tại Hoa Kỳ có liên quan tới tổ chức Bảo vệ Người tiêu dùng (Consumer Watchdog) tại Mỹ.

Gã khổng lồ tìm kiếm tuyên bố rằng, "tất cả mọi người dùng email cần phải hiểu rằng email của họ sẽ được ‘xử lý tự động'".

Tuyên bố của Google khẳng định: "Một người gửi thư tới đồng nghiệp sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi trợ lý của vị đồng nghiệp này mở thư của anh ta, và tương tự như vậy, những người sử dụng email nền web sẽ cảm thấy bình thường khi email của họ được xử lý bởi nhà cung cấp dịch vụ email trong quá trình chuyển thư".

Văn bản của Google đã được tung ra trong một vụ kiện cáo buộc Google vi phạm luật về quyền riêng tư của người dùng khi "đọc" email để đưa ra các mẩu quảng cáo phù hợp dựa trên nội dung của email.

Đây chỉ là vụ kiện mới nhất trong số rất nhiều vụ kiện liên quan tới Google và các cáo buộc về quyền riêng tư.

Tuần trước, phiên bản Android mới nhất của Google đã tiết lộ chức năng "quét" mạng và theo dõi vị trí của người dùng ngay cả khi Wi-fi đã bị tắt.

Dung-mong-doi-quyen-rieng-tu-khi-dung-Gmail-1.jpg

Các đoạn mã nguồn trong Android 4.3 khẳng định, "nhằm tăng cường tính chính xác trong việc theo dõi vị trí và nhằm phục vụ các mục đích khác, Google và các ứng dụng khác có thể quét tìm các mạng ở gần ngay cả khi W-fi bị tắt."

Bằng cách nhận diện các mạng Wi-fi ở gần, một thiết bị có thể tìm ra vị trí của người dùng – đây là một cách thay thế cho GPS thông thường.

Tuyên bố của Google liên quan tới Android 4.3 cũng cho biết, bất cứ thông tin địa điểm nào và cả các thông tin "khác" được thu thập trong quá trình quét mạng nói trên sẽ được chia sẻ với Google và các ứng dụng trên máy.

Google hiện tại vẫn chưa đưa ra câu trả lời về việc "các mục đích khác" được nói tới ở trên là gì.

Nick Pickles, giám đốc tổ chức bảo vệ quyền riêng tư Big Brother Watch cho biết: "Google đã liên tục đặt lợi nhuận lên trên quyền riêng tư của người dùng, và việc công ty chối bỏ quan ngại từ các nhà hành pháp trên toàn thế giới khi đưa ra chính sách quyền riêng tư mới của mình đã cho thấy Google khinh thường luật pháp đến mức nào".

"Google là một công ty lớn, nhưng không có nghĩa là Google được đứng trên luật pháp. Công ty đã lờ đi các nhà chức trách và đã từ chối không đưa ra bất kì thay đổi có ý nghĩa nào về việc thu thập và sử dụng dữ liệu của người dân".

"Người dùng càng ngày càng lo ngại hơn về việc dữ liệu của họ bị sử dụng như thế nào, và việc Google bị trừng phạt do vi phạm luật pháp là tối cần thiết. Các nhà hành pháp cần đưa ra các biện pháp trừng phạt nặng tay hơn và buộc Google phải suy nghĩ kĩ trước khi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng một lần nữa".

Dung-mong-doi-quyen-rieng-tu-khi-dung-Gmail-(1).jpg

Vào tháng 3/2012, Google đã đưa ra một chính sách bảo vệ quyền riêng tư chung cho tất cả các dịch vụ của mình.

Chính sách này cho phép công ty tổng hợp dữ liệu về các người dùng cá nhân trên tất cả các dịch vụ của mình, bao gồm YouTube, Gmail và mạng xã hội Google+. Người dùng không có quyền từ chối các điều khoản của Google.

Bước đi trên của oođã khiến 29 tổ chức quản lý tại châu Âu, bao gồm Ủy ban Thông tin tại Anh, cùng phối hợp tiến hành một cuộc điều tra về quyền riêng tư tại Google.

Khi nhắc tới vụ kiện mới nhất, John Simpson, giám đốc của Consumer Watchdog cho biết: "Cuối cùng Google cũng đã nhận tội không tôn trọng quyền riêng tư của người dùng".

"Mọi người nên tin lời Google; nếu bạn quan tâm tới quyền riêng tư của những người liên lạc với mình qua email, đừng dùng Gmail".

Cuộc chiến quyền riêng tư dai dẳng của Google

Cuộc chiến quyền riêng tư của Google đã kéo dài từ năm 2011. Sau đây là những diễn biến chính:

30/03/2011: Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố đưa ra một thỏa thuận với Google. Gã khồng lồ tìm kiếm đã chấp thuận đưa ra một chương trình bảo vệ quyền riêng tư, nhằm dàn xếp các cáo buộc của chính quyền về việc lừa dối người dùng và vi phạm chính sách bảo vệ quyền riêng tư của chính mình khi tung ra mạng xã hội Buzz.

24/01/2012: Google tuyên bố về kế hoạch liên kết dữ liệu người dùng trên các dịch vụ email, video, mạng xã hội và các dịch vụ khác của mình. Công ty cho biết, bước đi này sẽ tối giản chính sách bảo vệ quyền riêng tư của mình, cải thiện trải nghiệm người dùng và cho phép các nhà quảng cáo tìm khách hàng dễ hơn, đặc biệt là trên các thiết bị di động. Kế hoạch này nhanh chóng tạo ra các lo ngại về quyền riêng tư, song đã được tiến hành vào ngày 01/03/2013.

28/02/2012: Các nhà chức trách tại Pháp cho biết, sau phân tích sơ bộ, chính sách mới của Google có vẻ đã vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Google.

13/04/2012: Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC, Mỹ) đưa ra án phạt 25.000 USD đối với Google, cho biết gã khổng lồ tìm kiếm đã "cố tình ngăn cản và trì hoãn" một cuộc điều tra liên quan tới việc thu thập dữ liệu trong dự án Street View.

26/04/2012: Google đưa ra tuyên bố phản đối đối với cáo buộc của FCC và cho biết chính FCC mới là bên cố tình trì hoãn. Google cho rằng, cuộc điều tra kéo dài 17 tháng có lẽ đã tốn ít thời gian hơn nếu FCC không quá chậm chạp, song vẫn chấp nhận án phạt 25.000 USD để kết thúc vụ việc.

09/08/2012: Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC ) cho biết, Google đã đồng ý nộp phạt 22,5 triệu USD, nhằm dàn xếp các cáo buộc rằng công ty đã vi phạm lời hứa về quyền riêng tư khi bí mật theo dõi các hoạt động online của người dùng trình duyệt Safari (Apple).

16/10/2012: Các nhà hành pháp tại châu Âu đưa ra yêu cầu làm rõ chính sách bảo mật đối với Google, đồng thời cũng yêu cầu công ty phải tạo điều kiện cho người dùng muốn ngừng sử dụng các dịch vụ của mình.

12/03/2013: Google đưa ra tuyên bố sẵn sàng nộp phạt 7 triệu USD nhằm dàn xếp cáo buộc thu thập dữ liệu kết nối Wi-fi liên quan tới Street View. Vụ dàn xếp này có hiệu lực trên 38 bang của Mỹ.

02/04/2013: Pháp dẫn đầu một liên minh bao gồm nhiều tổ chức Anh, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Italy tiến hành các hoạt động pháp lý chống lại các thay đổi chính sách quyền riêng tư được Google đưa ra vào năm 2012.

12/08/2013: Google tuyên bố người dùng không nên mong đợi được bảo vệ quyền riêng tư khi gửi mail bằng Gmail.

Nguồn: ICTNews