Sau 5 năm thị trường smartphone phát triển bùng nổ tại các nước phát triển, giờ đây, theo nhận định của các nhà phân tích, sức tăng trưởng của thị trường này đang chuyển sang các thị trường mới đổi, và chủ yếu là ở châu Á.
Trong khi tại các thị trường phát triển, chính sách trợ giá máy của nhà mạng đã giúp tăng doanh số các thiết bị cao cấp, thì chương phát triển tiếp theo của ngành công nghiệp smartphone sẽ nằm ở những thị trường nơi người dùng rất nhạy cảm với giá cả và yêu cầu mua những thiết bị rẻ hơn.
Trong năm nay, theo dự đoán của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), lần đầu tiên số người dùng Internet di động tại các nước đang phát triển sẽ vượt qua các nước pahts triển – tăng 27 lần kể từ năm 2007, so với mức tăng gấp 4 lần của các nước phát triển.
“Trung tâm hệ sinh thái di động sẽ chuyển từ Mỹ và Tây Âu sang châu Á”, Mary Ellen Gordon, giám đốc hãng quảng cáo di động Flurry Inc nói.
Sự chuyển đổi này sẽ là một thách thức đối với tỷ suất lợi nhuận của các hãng như Apple và Samsung, hai công ty đang chiếm đến 50% doanh số smartphone thế giới. Samsung cho biết lợi nhuận quý 2/2013 của công ty giảm do những dự đoán về nhu cầu mua smartphone cao cấp thấp. Còn Apple cũng đang có tin đồn sẽ khai thác các mẫu iPhoen rẻ hơn, nhiều màu để đáp ứng thị trường đại chúng.
Nhiều người dùng di động mới nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. ITU dự đoán trong năm nay, khu vực này sẽ có số người dùng Internet di động cao hơn cả châu Âu và Mỹ cộng lại. Miếng bánh vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển, vì trong số 100 người ở châu Á vẫn có chưa đến 23 người dùng Internet di động, trong khi con số đó là 67 ở châu Âu và 48 ở Mỹ.
“Châu Á sẽ là động lực tăng trưởng của toàn cầu trong 2 thập kỷ tới”, Scott Lee, giám đốc khu vực châu Á của hãng quảng cáo số Exponential Interactive (Mỹ), nói.
Điều đáng nói nữa là phần lớn sự phát triển này sẽ đến từ những người dùng các thiết bị có mức giá rẻ hơn đến 10 lần so với các thiết bị ở các nước phát triển. Chẳng hạn ở Trung Quốc, nơi chỉ mới 1/5 trong số 1 tỷ người dùng sử dụng dịch vụ 3G. Ở đây, hãng Xiaomi chuyên bán những mẫu smartphone thoạt nhìn rất giống với iPhone nhưng có giá chưa đến một nửa giá iPhone 5.
Sức tăng trưởng của thị trường smartphone đang chuyển sang các thị trường mới đổi, và chủ yếu là ở châu Á
Đây chính là vấn đề với các hãng lớn. “Mục tiêu của chúng tôi là đạt đến vị trí dẫn đầu trên thị trường”, giám đốc tài chính Wong Wai Ming của Lenovo nói. “Và vì thế nếu chỉ bán sản phẩm trong một khoảng mức giá nhất định sẽ không cho phép chúng tôi đạt được điều đó”.
Tình hình còn khó khăn hơn ở Ấn Độ, thị trường di động lớn thứ 2 thế giới, nơi giá của các mẫu smartphone Android giá rẻ chỉ còn khoảng 50 USD. Thậm chí, trong năm tới, dự kiến giá sẽ còn giảm xuống 20 USD.
Nhà sản xuất thiết bị Micromax của Ấn Độ vừa ra mắt mẫu điện thoại Canvas 4 với các tính năng tương tự Galaxy S3 và Note 2 của Samsung nhưng giá chỉ bằng một nửa. “Sẽ rất khó cho một công ty như Samsung cạnh tranh với những hãng này”, Sameer Singh, nhà phân tích của hãng BitChemy Ventures nói.
Không chỉ giá điện thoại đang giảm, giá máy tính bảng cũng đang “rơi” với tốc độ nhanh. Theo hãng nghiên cứu GfK, nhu cầu mua tablet tại Philippine đã tăng gấp 4 lần trong năm ngoái, giá tablet tại các nước khu vực Đông Nam Á cũng giảm ¼.
Điều ngạc nhiên và đáng lưu ý nằm sau xu hướng thị trường này là sự gia tăng số người sử dụng dịch vụ 3G, trong khi mạng lưới chưa đủ tốt. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, độ phủ của mạng 3G còn “lỗ chỗ” và chủ yếu chỉ có ở các thành phố lớn. Các nhà phân tích dự đoán số người sử dụng dịch vụ 3G của Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong những năm tới, và sẽ không có đủ mạng WiFi hay 3G, người dùng sẽ “đói nội dung” cho smartphone và tablet.
Tại Trung Quốc, các dịch vụ như WeChat, các chương trình kiểu America Idol như The Voice of China và các loại game trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng Internet di động cao lên.
Song mức độ bao phủ của mạng lưới WiFi và mức phí truy cập 3G cao vẫn đang làm chùn chân nhiều người dùng. Năm ngoái, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, 62% trong tổng số điện thoại di động bán ra tại Trung Quốc là smartphone, nhưng chỉ có 16% thuê bao đã kết nối Internet di động.
Ba nhà mạng Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom đua nhau đầu tư hàng tỷ USD trợ giá máy để thu hút người dùng sử dụng dịch vụ, chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận. Các nhà mạng ở Philippine cũng đang thử nghiệm chính sách trợ giá với mức thấp, còn ở Ấn Độ, các nhà sản xuất thiết bị đang cố gắng tăng mức độ sử dụng smartphone với người dùng. Hãng Micromax đã ra gói miễn phí dữ liệu một vài tháng cho người dùng khi mua máy.
Nguồn: ICTNews