Dù số tiền thu phí tải nhạc sau vài tháng thực hiện chưa thực sự cao nhưng không thể phủ nhận được phong trào "nghe nhạc ý thức" đang dần được người dùng đón nhận. Đó sẽ là một "bàn đạp" thuận lợi để các website giải trí thu phí thêm những dịch vụ khác như phim, gameshow…
Ngày 8/5, theo thông tin từ MV Corp, đơn vị này đã thanh lý hợp đồng với Hiệp hội ghi âm Việt Nam (RIAV) và chính thức dừng tham gia “cuộc chơi” thu phí tải nhạc bản quyền sau gần 10 tháng kể từ buổi lễ ký kết “Chuyển giao độc quyền sử dụng các bản ghi âm” giữa RIAV và MVCorp. Dù sự rút lui này không làm ảnh hưởng đến thị trường thu phí nhạc bản quyền vì MV Corp chỉ là đơn vị đại diện cho RIAV để kinh doanh quyền sử dụng các bản ghi âm và thay vì làm việc qua MV Corp thì các website nghe nhạc khác vẫn sẽ làm việc trực tiếp qua RIAV như thời gian trước.
Dù số tiền thu phí tải nhạc chưa thực sự cao nhưng phong trào "nghe nhạc có ý thức" sẽ là cơ hội để các website giải trí tiếp tục thu phí những dịch vụ khác như phim, gameshow...
Sau thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng, việc dừng cuộc chơi của MV Corp đã đặt một “dấu hỏi” về sự thành công của cuộc chơi thu phí tải nhạc bản quyền. Tuy nhiên, người viết lại không đồng tình với quan điểm như vậy. Để bạn đọc rõ hơn, chúng ta hãy bắt đầu lại quay ngược lại “bánh xe thời gian” trở về thời điểm giữa năm 2012.
Sau 5 tháng, thu được vài trăm triệu đồng tiền tải nhạc bản quyền
Một buổi chiều giữa năm 2012, khi gặp anh Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc MV Corp và đại diện các một số hãng đĩa. Lúc đó, các hãng đĩa đã than phiền về việc ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động, thể hiện qua sản lượng băng đĩa của các thành viên Hiệp hội Ghi âm Việt Nam sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Do đó, các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới vì nắm chắc phần thua lỗ. Việc duy nhất để chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền này, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí tải nhạc. Khi liên hệ với việc thất bại của Nhacso.net trong việc quyết định thương mại hóa, thu phí tải nhạc người sử dụng vào năm 2008, người viết đã nhận được câu trả lời của anh Phùng Tiến Công rằng “thời điểm năm 2012 sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với năm 2008”.
Tại chương trình “Tọa đàm Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp” diễn ra sáng 15/8, các website nghe nhạc lớn như Zing Mp3, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui... đã đồng ý việc sẽ đồng loạt thu phí nghe nhạc với mức phí 1000đồng/bài kể từ ngày 1/11. Tại thời điểm trả lời phỏng vấn ICTnews vào tháng 3/2013, đại diện MV Corp cho biết, sau 5 tháng thu phí (từ 1/11/2012), tổng số tiền thu được từ tải nhạc bản quyền các ca khúc, album khoảng vài trăm triệu đồng, trong đó số tiền thu được tháng sau thường cao gấp rưỡi so với tháng trước đó. Con số này có thể sẽ không chỉ dừng lại ở đó nếu các website thu phí sở hữu các kênh thanh toán tiện lợi hơn như thanh toán trực tiếp từ tài khoản điện thoại giống như cách website keeng.vn của Viettel thực hiện.
Thành công hay thất bại?
Ngay cả những phát ngôn của MV Corp với truyền thông cũng có những sự mâu thuẫn, cuối năm 2012, ông Đỗ Mạnh Tuân, khi đó đang là Tổng Giám đốc MVCorp cho biết dù xác định sẽ gặp nhiều cản trở nhưng MV Corp không nghĩ lại khó đến thế khi mà ý thức người sử dụng, điều kiện thanh toán… đã cản trở rất lớn đến việc kinh doanh âm nhạc có bản quyền. Tuy nhiên, ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc MV Corp lại khẳng định: “Dù số tiền vẫn còn khiêm tốn nhưng mục tiêu của các đơn vị tham gia vào cuộc chơi thu phí tải nhạc bản quyền đều đã đạt được”.
Nếu chúng ta đặt vấn đề số tiền MV Corp bỏ ra để mua quyền ghi âm các ca khúc của RIAV với số tiền thu hồi được sau vài tháng triển khai hay sự rùm beng của truyền thông về một sự “thay đổi” 180 độ việc nghe nhạc bản quyền với kết quả thực tế không có quá nhiều sự khác biệt so với trước và sau ngày 1/11thì rõ ràng việc thu phí tải nhạc đã thất bại. Nhưng nếu không có MV Corp đứng ra thì chắc chắn việc thu phí nhạc sẽ là một câu chuyện “ở thì tương lai” khi mà tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực giải trí đang diễn ra như “chuyện bình thường ở huyện”. Bởi vì, các công ty lớn như VNG (sở hữu Zing Mp3), FPT (sở hữu nhacso.net) hay NCT (sở hữu Nhaccuatui.com)…dù rất muốn nhưng chắc chắn sẽ không thể tự đứng lên, hô hào mọi người cùng bắt tay nhau thu phí tải nhạc được vì sẽ chả có ai tin họ sẽ không bảo vệ lợi ích của mình trước tiên và tạo ra sự công bằng với các website nghe nhạc khác. Do đó, chỉ có thể một đơn vị trung gian như MV Corp hay một “vị thuyền trưởng” có mối quan hệ tốt với giới nghệ sĩ, Hiệp hội Ghi âm Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng như các website nghe nhạc mới có thể cầm trịch được việc thu phí tải nhạc và Phùng Tiến Công là một trong số những cái tên có thể đáp ứng được các yêu cầu này. Sau 10 tháng kể từ thông tin thu phí tải nhạc được công bố, ít nhất những kết quả từ việc thu phí tải nhạc dù ít nhưng cũng cho thấy, đây là việc có thể thực hiện được và góp phần không nhỏ vào quá trình thay đổi nhận thức dần dần cho người dùng về việc “nghe nhạc có ý thức”, điều mà trước khi MV Corp quyết định làm thì vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Mặc dù vậy, sự "rút lui" của MV Corp không tác động nhiều đến thị trường tải nhạc bản quyền vì các ca khúc của RIAV (đơn vị ủy quyền kinh doanh cho MV Corp) chủ yếu thiền về "lượng" hơn là "chất" hầu hết đều là những ca khúc "đi cùng năm tháng". Trong khi đó, những ca khúc mới hay những hãng đĩa sở hữu những ca sĩ "có số có má" như Music Face của nhạc sĩ Đức Trí, Music Box... đều không phải là thành viên của RIAV. Do đó, muốn kinh doanh những ca khúc này, các website nghe nhạc đều phải tự thương lượng và ký hợp đồng chứ không thông qua MV Corp.
Như vậy, việc cần làm bây giờ, từ “cú hích” thu phí tải nhạc, các trang web như Zing Mp3, Nhaccuatui… sẽ phải tiếp tục xây dựng hệ sinh thái xung quanh site nhạc để có thể thu phí các nội dung giải trí khác bao gồm phim, chương trình tivi, gameshow…và tiếp tục kiên trì tạo ra các làn sóng tương tự như “xem phim có ý thức”, “xem tivi có ý thức”…
Sau khi MV Corp tuyên bố dừng cuộc chơi thu phí tải nhạc, trên các diễn đàn, mạng xã hội đã lan truyền tin tức về việc website nghe nhạc “đình đám” một thời là Nhacso.net sẽ đóng cửa do chí phí bản quyền phải đóng cho VCPMC và RIAV quá lớn. Trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện FPT cho biết, hợp đồng giữa FPT và RIAV, VCPMC sẽ hết hạn trong năm nay và đơn vị này không có ý định tiếp tục gia hạn hợp đồng khi Nhacso.net đang bị tụt lại phía sau và không cạnh tranh được với các website nghe nhạc khác như Zing Mp3 hay Nhaccuatui… Điều này đồng nghĩa với một dấu chấm hết cho một trong những website nghe nhạc trực tuyến đầu tiên của Việt Nam. Việc ngừng tham gia thị trường nhạc số của MV Corp và Nhacso.net đã cho thấy, nếu chỉ kinh doanh nhạc bản quyền mà không có các hệ sinh thái giải trí khác xung quanh cũng như không tận dụng hay không có được các cộng đồng lớn của mình thì sẽ ngay lập tức gặp “khó” trong việc kiếm tiền từ người dùng.
Ngoài ra, việc kinh doanh các sản phẩm trên môi trường online cũng đòi hỏi tính kiên nhẫn rất lớn của doanh nghiệp tham gia. Như với lĩnh vực thương mại điện tử, dù đang là "hiện tượng" trong lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Ngọc Điệp, người sáng lập và điều hành sàn mua sắm trực tuyến Vật Giá (vatgia.com) xác định làm TMĐT ở Việt Nam là quá trình cực kỳ khắc nghiệt, khi mà "nhu cầu thị trường sẵn sàng trả cho công việc này cực kỳ thấp, nếu không biết ăn cơm nắm nằm vùng như Bác Hồ làm cách mạng ngày xưa thì sẽ không có ngày toàn thắng".
Nguồn: ICTNews