Tin tức & Sự kiện
news & event
11 10 / 2013

Quá ít DN phần cứng, phần mềm, nội dung số triển khai IPv6

Tại Việt Nam, hiện mới có 1 doanh nghiệp phần mềm, 20 chủ website, 35 website .vn triển khai IPv6 và 6 nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6.
Sáng nay, 9/10/2013, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo chuyên đề “Triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phần mềm”.
Hoi-thao-IPV6.jpg
 
Ông Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết: Từ năm 2002, Việt Nam đã chuẩn bị thử nghiệm mạng IPv6, đến năm 2003 đã kết nối thử nghiệm dịch vụ với các ISP. Ngày 6/5/2013, mạng IPv6 quốc gia chính thức khai trương với sự kết nối của VNNIC (hệ thống DNS.vn và VNIX quốc gia) với 5 ISP (gồm Viettel, VNPT, Netnam, FPT Telecom, SPT, VTC). Hiện vừa có thêm SCTV, CMC Telecom, VTN tham gia kết nối song song cả IPv4 và IPv6.
 
Tuy nhiên, việc triển khai IPv6 trong cộng đồng và các doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số còn rất hạn chế. Tính đến nay mới có 20 chủ website, 35 website .vn triển khai IPv6 và 6 nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6 (gồm Viettel R&D, FPT Telecom, VNPT Technology, D-Link, Zyxel, Ruckus Wireless Inc).
 
“Lưu lượng và sự hiện diện của IPv6 tại Việt Nam còn hạn chế do thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPV6 chưa đa dạng, ứng dụng hỗ trợ IPv6 chưa nhiều, mức độ hưởng ứng các hoạt động về IPv6 của các doanh nghiệp chưa đồng đều, mới có 1 doanh nghiệp phần mềm là TMA triển khai thử nghiệm IPv6, đặc biệt chưa có sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) vào quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6”,
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ: “Trong giai đoạn chuẩn bị triển khai IPv6 tại Việt Nam vừa qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã tương đối sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ mạng Internet truyền thống IPv4 sang công nghệ IPv6. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang IPv6 của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, các nhà sản xuất thiết bị cả phần cứng, phần mềm còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo hôm nay nhằm tìm ra giải pháp, biện pháp cụ thể để thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, nhà sản xuất thiết bị phần cứng, phần mềm chuyển đổi sang IPv6, và giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thêm nỗ lực đạt những bước tiến mới trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6”.
 
Từ thời điểm khai trương IPv6 thế giới (6/6/2012) đến nay, đã có khoảng hơn 3.000 đơn vị quản lý website, 65 nhà quản lý vận hành mạng lưới, 5 doanh nghiệp cung cấp thiết bị đầu cuối tham gia triển khai chính thức IPv6. Hầu hết các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Microsoft, Apple… đều đã chuyển đổi sang IPv6. Hơn 20% hệ thống DNS trong top 50 của Alexa đã sẵn sàng với Ipv6; hơn 7% website trong top 50 của Alexa đang chạy trên IPv6. Hầu hết các thiết bị mạng lõi đã hỗ trợ IPv6, nhiều thiết bị đầu cuối đã hỗ trợ IPv6 như TP-Link, D-Link, Zyxel, Ruckus,… Những nền tảng phần mềm, ứng dụng đã hỗ trợ IPv6 gồm OS, application, web server, database, ngôn ngữ lập trình... Việt Nam đang xếp thứ 79/258 quốc gia về mức độ triển khai IPv6.
Nguồn: ICTNews