Tin tức & Sự kiện
news & event
7 08 / 2013

Khó xử lý triệt để các trang web mạo danh

Nhiều trang web mạo danh người nổi tiếng, nội dung xuyên tạc có nguồn gốc từ nước ngoài. Do vậy, việc xử lý, ngăn chặn các trang tin loại này ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong nước cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.

Sáng nay (1/8), báo điện tử VnMedia đã tổ chức buổi tọa đàm – giao lưu trực tuyến "Báo điện tử và sự nổi tiếng". Trước câu hỏi về việc ngăn chặn các trang web và blog mạo danh người nổi tiếng, hay các lãnh đạo Đảng, nhà nước để đăng thông tin sai sự thật hay phản động đang tràn lan trên Internet, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, chỉ có thể hạn chế chứ khó có thể ngăn chặn triệt để các trang web mạo danh người nổi tiếng hay lãnh đạo cấp cao. Ông Liên cho rằng, bên cạnh biện pháp kỹ thuật thì cũng cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý những trường hợp đưa tin sai sự thật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải "dùng độc trị độc" bằng cách dùng thông tin chính thống trên các báo chính thức để phản bác, chống lại những nguồn tin sai trái trên Internet.

Trong cuộc họp báo giới thiệu nội dung Nghị định 72 do Bộ TT&TT tổ chức hôm 31/7/2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng cho biết, xử lý các trang tin mạo danh tổ chức, cá nhân và phát tán các thông tin sai lệch là công việc cần sự kết hợp và nỗ lực của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng như của cả cộng đồng, chứ không đơn thuần là xử lý hành chính hay chặn bằng các biện pháp kỹ thuật.

kho-xu-ly-triet-de-web-mao-danh.jpg

Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, cần "lấy độc trị độc" bằng cách dùng thông tin trên báo chính thống để phản bác lại thông tin trên các trang web mạo danh. Ảnh: M.Q

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết, nhiều trang web có nội dung xuyên tạc có nguồn gốc từ nước ngoài. Do vậy, việc xử lý, ngăn chặn các trang tin loại này ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong nước cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.

Trên thực tế đã có nhiều vụ việc đã được các cơ quan Việt Nam phối hợp với các nước xử lý triệt để trong thời gian qua, như xử lý tội xâm phạm tình dục trẻ em, buôn người hay lừa đảo mua bán tiền ảo qua mạng. Internet giống như đời thực, có người tốt người xấu, có thông tin tốt thông tin xấu, có thông tin trung thực có thông tin lừa đảo. Xã hội thực luôn luôn phải đấu tranh với các hình thức giả mạo thông tin và Internet cũng vậy. Việc ngăn chặn cần phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp cần thiết để ngăn chặn các thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, Internet là môi trường mở cho nên nhiều nguồn thông tin xuất phát từ nước ngoài cũng cần có sự hợp tác với các cơ quan Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Hiện tại Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí xuất bản và thông tin điện tử. “Đây là sẽ là căn cứ pháp lý để xử phạt các vi phạm liên quan tới hành vi cung cấp nội dung thông tin sai trái trên Internet”, Thứ trưởng Thắng cho biết.

Nguồn: ICTNews