Theo một nghiên cứu, từ tháng 6/2014 đến nay, Facebook và Twitter ít được ưa chuộng do người dùng không còn hứng thú, họ lo ngại hơn về các vấn đề riêng tư và Facebook có quá nhiều quảng cáo.
Có thật ngày càng ít người sử dụng Facebook hay không?
Trong khi đó, một nghiên cứu nổi tiếng khác từ các nhà nghiên cứu của trường Đại học Princeton ra đầu năm nay tuyên bố các mạng xã hội sẽ mất 80% số người sử dụng và sẽ bị xóa sổ “giống như bệnh dịch hạch”.
Hãng GlobalWebIndex đã công bố một báo báo toàn diện về việc sử dụng các mạng xã hội trên 32 quốc gia, đối với 170.000 người sử dụng internet trong một nghiên cứu lớn nhất đang diễn ra về cuộc sống của những người dùng các phương tiện điện tử.
Facebook là mạng duy nhất bị sụt giảm 0,5% số lượng người sử dụng trong độ tuổi 16-24. Theo báo cáo thì vấn đề này bắt đầu từ năm 2013, số lượng người chia sẻ ảnh và nhắn tin cho bạn bè trên Facebook đã giảm khoảng 20%. Trong số 83% số lượng người trưởng thành có sở hữu một tài khoản Facebook, chỉ 47% tự nhân là vẫn đang thường xuyên sử dụng. Như vậy con số này đã giảm 100 triệu người từ đầu đến cuối năm 2014.
Trong khi đó, số lượng người truy cập YouTube lại đang tăng lên, 85% số người trưởng thành tại các quốc gia khác trừ Trung Quốc thường xuyên sử dụng trang này. Mặc dù YouTube có số lượng thành viên chỉ khoảng 656 triệu nhưng số lượng người truy cập thường xuyên lên đến 76%.
Một lý do được đưa ra đó là một phần tư số người thường xuyên sử dụng Facebook có độ tuổi trên 45 trong khi các mạng xã hội khác như Tumblr hay Instagram có số người sử dụng từ 16-34 chiếm hơn 70%. Nhìn chung những thành viên Facebook lớn tuổi thường không thích đăng hình, chia sẻ hay tương tác với ứng dụng này như những người trẻ tuổi.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Facebook đang chết dần. Số lượng người truy cập trang ngày càng nhiều hơn bao giờ hết và lên đến con số 90 triệu người. Nhưng cách chúng ta sử dụng Facebook đã thay đổi. Chúng ta vẫn sử dụng nhưng theo cách bị động hơn đó là chúng ta chỉ thích đọc và xem mọi thứ được người khác đăng trên Facebook.
Hơn thế nữa, hiện giờ một người sử dụng có thể có tài khoản của rất nhiều mạng xã hội khác nhau. Chúng ta có thể chia sẻ và chỉnh sửa hình ảnh trên Instagram – đây là một lý do khiến lượng ảnh chia sẻ trên Facebook giảm đi. Chúng ta chat và nhắn tin bằng các ứng dụng chat dành riêng như WhatsApp, Snapchat và Skype. Mặc dù số lượng người sử dụng ứng dụng Facebook Messenger tính riêng đã nhiều hơn số người dùng WhatsApp, nhưng chức năng của Facebook Messenger không chỉ đơn giản là để nhắn tin mà còn là một dịch vụ chuyển tiền.
Facebook đang hướng đến mục tiêu trở thành một nhà cung cấp dịch vụ, cho phép các thành viên của trang này mua hàng hóa và chuyển tiền trên ứng dụng này đồng thời vẫn tiếp tục bắt kịp những đối thủ cạnh tranh lâu năm. Facebook đang cố gắng đa dạng hóa mục đích sử dụng, mở rộng ra toàn cầu và xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta. Facebook không hề “chết”, Facebook đang thay đổi.
Theo ICTNews