Chỉ cần lập website, đưa lên vài thông tin cơ bản về doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã có “website thương mại điện tử bán hàng” và phải thông báo với cơ quan quản lý.
Chỉ cần lập website, đưa lên vài thông tin cơ bản về doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã có “website thương mại điện tử bán hàng” và phải thông báo với cơ quan quản lý.
Hiện có trên 86.000 website của cá nhân, tổ chức tại TP.HCM. Chủ của khoảng 80.000 website trong số đó có thể bị phạt 10 đến 40 triệu đồng vì đã lập website mà không làm thủ tục thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý.
Có website phải thông báo
Lâu nay các doanh nghiệp (DN) vẫn nghĩ rằng trên website mà có hoạt động mua bán thì mới là website thương mại điện tử (TMĐT). Vì vậy mà DN không quan tâm đến thủ tục có liên quan.
Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường của Sở Công Thương TP khẳng định dù trên website DN chỉ đăng vài ba thông tin cơ bản như lĩnh vực kinh doanh, thông tin liên hệ, giới thiệu sơ sài về sản phẩm thì vẫn được xem là quảng cáo. Mà quảng cáo là một dạng của xúc tiến thương mại. Theo Nghị định 52/2013 thì “website được thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại...” được xem là website TMĐT bán hàng. Do đó, DN có trang web loại này phải làm thủ tục thông báo. Theo đó, DN vào trang www.online.gov.vn khai báo thông tin để đăng ký tài khoản, sau ba ngày DN sẽ được cấp tài khoản và tiếp tục khai báo theo mẫu.
DN, cá nhân có website TMĐT bán hàng phải công bố thông tin rõ ràng về DN, cá nhân mình cũng như thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, thanh toán và các điều kiện giao dịch chung. Khi xây dựng nghị định này, Bộ Công Thương nhắm đến “đảm bảo sự minh bạch thông tin và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên website TMĐT”.
Cá nhân chủ website thương mại điện tử bán hàng không thông báo hoặc không đăng ký
có thể bị phạt trung bình 15 triệu đồng. Ảnh: HTD
Trong khi website TMĐT bán hàng phải thông báo thì các website thuộc loại cung cấp dịch vụ TMĐT phải đăng ký. Đây là loại website cho phép người tham gia mở gian hàng hoặc có chuyên mục mua bán cho phép người tham gia đăng tin mua bán hoặc có bán phiếu mua hàng, bán thẻ khách hàng thường xuyên... Thủ tục này áp dụng cho website được lập trước lẫn sau khi Nghị định 52/2013 ra đời.
Tạm thời chưa xử phạt
Theo Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn, tính đến ngày 25-4, có gần 1.500 website của tổ chức, cá nhân trên cả nước được thông báo, đăng ký.
Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường cho biết tính riêng ở TP.HCM có khoảng 1.100 website TMĐT được chủ website làm thủ tục thông báo, đăng ký. Con số này chỉ chiếm rất nhỏ so với con số 140.000 DN tại TP; 150.000 tên miền do cá nhân, tổ chức tại TP.HCM đăng ký và khoảng 86.000 website của cá nhân, tổ chức (có cả DN, cơ quan nhà nước, trường học...) thiết lập. Số còn lại chưa làm thủ tục có thể bị xử lý. Cá nhân chủ website có thể bị phạt trung bình 15 triệu đồng, DN bị phạt 30 triệu đồng theo quy định của Nghị định 185/2013.
Tuy nhiên, Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường cho biết Sở Công Thương TP tập trung tuyên truyền cho các DN biết về quy định này chứ chưa tập trung xử phạt. Sở gửi gần 4.500 thư điện tử cho DN để nhắc DN thực hiện. Con số phản hồi rất thấp, chỉ vài ba trăm. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao thay đổi cách nhìn của DN về website TMĐT. “Chúng tôi nói chuyện với rất nhiều DN, với các DN có website mua bán trực tuyến thì họ hiểu ngay là phải đăng ký. Thế nhưng hầu hết DN có website giới thiệu về DN đều không nghĩ rằng website của mình là website TMĐT bán hàng và cần phải thông báo. Ngay cả những DN lớn, ngân hàng thương mại cũng không biết quy định này” - phòng này nói.
Một cơ quan về bảo vệ người tiêu dùng cho biết việc thông báo, đăng ký website có thể giúp cơ quan quản lý nắm được thông tin DN, cá nhân có liên quan đến website. Trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại về quảng cáo thổi phồng, về chất lượng sản phẩm, chế độ bảo hành hay phản ánh bị lừa đảo khi mua bán hàng qua các website TMĐT... thì nhờ các thông tin đăng ký, thông báo mà có thể lần ra tận gốc các đầu mối để xử lý, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Nếu không có thông tin thì sẽ rất khó mò ra được.
Lo ngại sản phẩm kém chất lượng
Người dân còn e ngại việc mua sắm trực tuyến là vì sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo (77%); giá cả không thấp hơn mua trực tiếp, giá không rõ ràng (40%)... Những người nói không với mua sắm trực tuyến là vì khó kiểm định chất lượng hàng hóa (59%); mua tại cửa hàng dễ hơn (45%); không tin tưởng đơn vị bán hàng (41%)...
(Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam 2013 do Cục TMĐT và Công nghệ thông tin công bố giữa tháng 4-2014)
|
Theo Quỳnh Như (Pháp Luật Tp.HCM)