Năm 2013 sẽ xảy ra cuộc chiến trong công nghệ di động, xu hướng Internet of Things (IOT) cất cánh. Đó là hai trong 10 xu hướng công nghệ đáng chú ý sẽ diễn ra trong năm 2013 do Hội nghị Gartner Symnomium ITXpo 2012 dự báo.
Hội nghị Gartner thu thút hơn 2.000 người tham dự. (Ảnh: Đ.Q)
Đại diện của 7 doanh nghiêp Việt Nam bao gồm Ngân hàng VIB, Vietinbank, Ngân hàng MB, Marttime Bank, Tập đoàn VNPT, FPT, Công ty CP Công nghệ DTT đã tham dự Hội nghị này tại Australia từ ngày 12 đến 15/11/2012 vừa qua.
Cuộc chiến trong công nghệ di động
Theo Gartner dự đoán từ năm 2013, duyệt web từ mobile sẽ vượt qua PC và laptop truyền thống, sử dụng các ứng dụng trên mobile cũng đang dần phổ biến. Do vậy từ năm 2013 sẽ nổ ra trận chiến trên mobile của các công nghệ chạy trên các hệ điều hành Android, iOS, Windows phone. Việc các tổ chức quyết định ứng dụng trên những nền tảng nào hay các công ty công nghệ đầu tư vào phát triển các giải pháp dựa trên công nghệ nào cũng phụ thuộc rất nhiều từ kết quả của cuộc chiến trên di động này, mà kết quả quyết định sẽ sẽ phụ thuộc vào xu hướng của số đông người sử dụng.
Các ứng dụng trên di động và HTML 5
Các ứng dụng hiện nay thường phụ thuộc vào nền tảng hệ điều hành mà nó được phát triển. Đà phát triển nhanh của mobile sẽ nảy sinh nhu cầu có các ứng dụng chạy được trên tất cả các nền tảng, độc lập với thiết bị. HTML 5 đã được phát triển hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề đó. HTML 5 hỗ trợ đa phương tiện như video, voice và tương tác tốt hơn, hạn chế sự can thiệp của bên thứ ba. Nhiều tính năng của HTML5 được xây dựng để hỗ trợ các thiết bị di động. Hiện HTML 5 đã cơ bản hoàn thiện nhưng chưa được đưa ra thành một chuẩn và các nhà phát triển trình duyệt đang nhanh chóng cập nhật và nâng cấp để hỗ trợ HTML 5.
Đám mây cá nhân
Khoảng năm 2014, điện toán đám mây cá nhân sẽ là đầu mối thông tin và các hoạt động của người dùng cá nhân, người sử dùng cá nhân sẽ dùng các thiết bị cá nhân khác nhau của mình để truy cập cuộc sống số (gồm tất cả các dữ liệu liên quan đến cá nhân như các tài liêu, chương trình tivi, ca nhạc, ảnh,… của mình thông qua đám mây cá nhân và có thể chia sẻ với mạng lưới bạn bè.
Internet cung cấp mọi thứ
Dữ liệu được sinh ra từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ các hệ thống CNTT, các thiết bị vật lý như kiểm soát, các bộ cảm biến, GPS, các dữ liệu từ mạng xã hội,... Trước đây chưa có công nghệ nào có thể khai thác hiệu quả mối liên kết giữa các dữ liệu này. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của Internet cho phép kết nối các dữ liệu này và các công nghệ phân tích xử lý dữ liệu mà đặc biệt là dữ liệu lớn. Các dữ liệu sẽ được khai thác, phân tích để phục vụ cho giao dịch đời sống và kinh doanh, khi đó thế giới của chúng ta sẽ là một thế giới được kết nối theo đúng nghĩa của nó. Ví dụ là người dùng có thể theo dõi với tình hình giao thông hiện tại, xe buýt đang ở địa điểm nào với thời gian thực.
Sự lai ghép giữa CNTT và điện toán đám mây
Hiện nay các tổ chức sử dụng điện toán đám mây (công cộng và tư nhân) để rút ngắn thời gian triển khai, giảm chi phí quản lý và vận hành. Tuy nhiên bên cạnh đó các tổ chức vẫn phải duy trì các hệ thống IT truyền thống do tính đặc thù, các cam kết về dịch vụ và các quy định chính sách của tổ chức. Do vậy hai mô hình IT truyền thống và Cloud vẫn cần song song tồn tại, các tổ chức sẽ cần cân bằng giữa việc duy trì các hệ thống CNTT truyền thống đồng với việc giảm chi phí khi sử dụng các hệ thống trên cloud.
Chiến lược dữ liệu lớn
Dữ liệu lớn là một khái niệm nói đến khối lượng dữ liệu rất lớn, có tốc độ sinh ra cực nhanh và sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau (như mạng xã hội, các thiết bị vật lý, không giống như dữ liệu truyền thống là được tạo ra bởi tổ chức hoặc một số nguồn nhất định) và bao gồm cả dữ liệu có cấu trúc và không có cấu trúc.
Phân tích hành vi
Hiện nay là thời điểm mà năng lực và chi phí có thể cho phép thực hiện phân tích và giả lập cho các hoạt động trong kinh doanh, từ khối lượng dữ liệu lớn . Việc này không chỉ được thực hiện bởi các hệ thống trong Data Center mà các thiết bị di động phải có khả năng truy cập và có khả năng thực hiện các phân tích, cho phép sử dụng sự tối ưu hóa và giả lập ở bất cứ thời gian nào và bất cứ đâu.
Công nghệ Xử lý ngay trong bộ nhớ trong
Với sự xuất hiện và phát triển của đám mây, dữ liệu lớn,… việc phải xử lý khối lượng dữ liệu lớn và tốc độ nhanh đã đặt ra vấn đề đối với bộ nhớ trong (In-Memory Computing - IMC). Công nghệ IMC sẽ lưu trữ toàn bộ các dữ liệu và tiến hành xử lý, phân tích ngay trong bộ nhớ trong, thay vì lưu trong các cơ sở dữ liệu quan hệ và chỉ xử lý theo lô (Batch processing). Việc xử lý theo lô hiện nay mất hàng tiếng đồng hồ và nếu sử dụng công nghệ In-Memory Computing chỉ mất một vài phút hoặc một vài giây, các kết quả được đưa ra với thời gian thực hoặc gần thời gian thực. Hiện SAP đã phát triển sản phẩm giải pháp gọi là High-Speed Analytical Appliance (HANA), sử dụng các công nghệ nén dữ liệu phức tạp để xử lý ngay trong bộ nhớ trong (RAM).
Hệ sinh thái tích hợp
Hiện nay nhiều tổ chức đang sử dụng thiết bị máy chủ (Server applicance) được cài đặt sẵn phần cứng và giải pháp giúp họ tránh khỏi quá trình triển khai và tích hợp phức tạp và giảm các công sức quản lý. Tuy nhiên việc sử dụng Server appliance cũng có hạn chế khi tổ chức cần thêm các yêu cầu, chức năng mới và các hãng công nghệ vẫn tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới để kiểm soát được các open stack của họ và tối đa hóa lợi nhuận.
Hiện nay đang xuất hiện một xu hướng mới là Virtual Appliance (thiết bị ảo), theo đó các nhà cung cấp giải pháp có thể cung cấp các giải pháp đầy đủ bao gồm: Từ phần mềm tới hạ tầng phần cứng tới khách hàng trong môi trường ảo, khách hàng không cần có thiết bị phần cứng vật lý nào. Theo Gartner dự đoán Virtual Appliance sẽ phát triển mạnh trong vòng 5 năm tới, tuy nhiên nó sẽ không hoàn toàn thay thế cho Physical Appliance mà sẽ là một lựa chọn khác hoặc kết hợp vì lý do bảo mật, các yêu cầu đặc thù về phần cứng….
Kho ứng dụng doanh nghiệp
Do sự phát triển mạnh của các thiết bị di động, hiện nay nhiều tổ chức cho phép các nhân viên của mình làm việc qua thiết bị di động, sử dụng các ứng dụng trên Internet như Apple Store, Google Store hoặc ứng dụng do tổ chức đó tự phát triển theo yêu cầu và đặc thù của nghiệp vụ kinh doanh… Vấn đề đặt ra là làm thế nào các tổ chức có thể quản lý các ứng dụng nào cho phép nhân viên của mình sử dụng trong môi trường làm việc, phân quyền, quản lý truy cập và đảm bảo bảo mật. Hiện nay nhiều hãng công nghệ đã cung cấp các giải pháp và dịch vụ kho ứng dụng doanh nghiệp, cho phép tổ chức thiết lập một kho ứng dụng cho riêng mình có chức năng giống như Apple store hay Google Stores. Hiện có rất nhiều hãng công nghệ đã phát triển các giải pháp và dịch vụ giúp các tổ chức có thể làm được điều này như AirWatch, , Appcentral, Apperian, …
Nguồn: ICTNews