Tin tức & Sự kiện
news & event
13 08 / 2013

Bình trong mắt bão

Cung ứng nhiều dịch vụ xoay quanh hoạt động đăng ký tên miền, Mắt Bão của Lê Hải Bình trụ lại qua các thăng trầm của thị trường công nghệ liên tục thay đổi.
Các văn phòng của Mắt Bão nằm rải rác ở quận 10 của Tp. HCM, mỗi địa điểm có quy mô cho gần 100 nhân viên nhưng đều dành diện tích để thiết kế một bar cà phê. Những chiếc máy pha cà phê Trung Nguyên nằm ở một góc, trên tường là những bức tranh được các nhân viên thiết kế trẻ trung sinh động, mỗi ly cà phê họ uống đổi bằng một đồng xu 2.000đ, sẽ dành cho hoạt động thiện nguyện. “Vì công ty nhỏ nên chỉ được vậy, ước mong của tôi là quy tụ tất cả các bộ phận về một địa điểm khang trang với một thiết kế mở như Google để các bạn trẻ có thể sáng tạo”, Lê Hải Bình – Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ.
Binh-trong-Mat-Bao-4.png
Dù Bình tự xếp hạng công ty mình nhỏ nhưng đội ngũ hơn 270 người ở Mắt Bão, với tuổi đời trung bình 26, trong năm 2012 đã tạo ra doanh thu xấp xỉ 300 tỉ đồng. Doanh số này là khá nhỏ trong toàn cảnh thị trường công nghệ thông tin (IT), nhưng Mắt Bão đang dẫn đầu mảng kinh doanh tên miền với lợi nhuận cao hơn nhiều mức trung bình của thị trường. Chẳng hạn, dịch vụ tên miền mang lại phần lớn doanh thu của công ty có tỉ suất lợi nhuận đến 30%; trung tâm dữ liệu được xem là hạ tầng phục vụ cho các mảng kinh doanh khác có mức lợi nhuận thấp hơn, cũng đạt từ 15%. Ở thời điểm thuận lợi và công ty còn ở quy mô nhỏ, tỉ lệ tăng trưởng có lúc đến 400%. Khi thị trường khó khăn nhất, Mắt Bão vẫn tăng trưởng 30-40%/năm.
Bình, 34 tuổi, thuộc lớp doanh nhân khởi nghiệp sau khi Internet vào Việt Nam. Tuýp người “làm như đang chơi”, vừa làm việc vừa tán gẫu bằng Skype hay Facebook, mê phượt, thích golf, thích chụp ảnh, hát karaoke hay chơi trò teambuilding với nhân viên. Câu chuyện khởi nghiệp của Bình đậm chất thị trường công nghệ Việt Nam sau năm 2000, khi giới trẻ bị cuốn vào làn sóng lập nghiệp trên Internet, đi qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường và chỉ số ít trụ lại.
Binh-trong-Mat-Bao-3.pngNăm 2001, khi còn là sinh viên IT năm hai của trường Đại học Bách khoa, Bình đã “say máu” với công nghệ. Lý do khởi nghiệp chẳng có gì cao siêu: thiết kế web và làm phần mềm để kiếm tiền và thỏa nỗi đam mê.
Cùng với người bạn, Bình vừa viết phần mềm, vừa bán hàng, làm kế toán, chăm sóc khách hàng…Nhưng bình nhanh chóng rẽ qua khúc quanh khác khi cảm thấy đó không phải là định hướng tốt với mình bởi các doanh nghiệp làm phần mềm ồ ạt ra đời. Bình nhìn lại: “May mắn chứ nếu tiếp tục làm phần mềm giờ khó lớn nổi, vì thị trường ứng dụng IT Việt Nam có quá nhiều rào cản. Trong dòng người cuồn cuộn như thế, muốn đi tới buộc phải dẫm đạp lên nhau, mình nhỏ yếu nên đành tìm đường tách ra”.
Thị trường dịch vụ lưu trữ (hosting) chỉ có vài nhà cung cấp và chủ yếu trên nền tảng mở Linux, tại sao không kinh doanh và tìm cách làm cho khác biệt? Nghiên cứu các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ, Bình tìm mô hình phù hợp và bản địa hóa: tự phát triển dịch vụ web, triển khai phần mềm, lưu trữ tên miền. “Công ty nhỏ làm gì biết tiếp thị nhưng may mắn là khi mình làm được cái riêng thì chiếm lĩnh thị trường rất nhanh”.
Năm 2009, tâm điểm suy thoái kinh tế, Bình đầu tư gần 1 triệu đô la Mỹ cho trung tâm dữ liệu mang tên ODS. Đầu tư như vậy khá mạo hiểm, nhất là ở thị trường này FPT đang thống lĩnh, các tên tuổi VDC, Viettel, CMC…đều đầu tư lớn và cạnh tranh cao. Nhưng ODS dần tạo lập được chỗ đứng và vươn lên dẫn đầu trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đầu tư vào ODS hiện đã xấp xỉ 4 triệu đô la Mỹ, nền tảng để Mắt Bão mở rộng các dịch vụ và chuyên tâm phục vụ khối SME. Bình cho biết: “Quyết định chọn phân khúc SME là nhờ kinh nghiệm từ thất bại của webvieclam.com. Tôi từng nghĩ sẽ thành công nếu bán dịch vụ tuyển dụng cho 40 triệu người ở độ tuổi lao động, nhưng họ không cùng phân khúc, không cùng sự lựa chọn, không rõ mình hướng vào đâu cũng rời bỏ mình và dĩ nhiên thất bại”.
Mở rộng kinh doanh thương mại điện tử là một định hướng Mắt Bão từng ấp ủ bên cạnh kinh doanh tên miền nhưng “làm hoài không tới”. Dịnh vụ tuyển dụng trực tuyến webvieclam.com ra đời năm 2003, thuộc hàng sớm và có cộng đồng hàng đầu nhưng sau đó “chết yểu”, trong khi những website ra đời muộn hơn như Vietnamwork, Kiemviec vươn lên dẫn đầu thị trường nhờ vào nguồn tài chính của các quỹ đầu tư.
Manguon.com là một thất bại khác.
Ra đời năm 2004 với lượng thành viên đến vài trăm nghìn, đông nhất trong các diễn đàn công nghệ cùng thời điểm. Bình đặt mục tiêu từ diễn đàn sẽ phát triển dịch vụ bằng cách  cung cấp tài liệu ebook, mã nguồn, tạo sàn giao dịch mua – bán phần mềm…”Đang hoạt động ngon trớn, thấy công ty nước ngoài chuyển từ diễn đàn mở và miễn phí sang kinh doanh, chúng tôi cũng làm vậy. Nhưng người dùng không chấp nhận và manguon.com chết. Mãi đến giờ vẫn chưa thể tìm được ý tưởng mới để khởi động lại”.
Thất bại thì nhiều nhưng Bình học được bài học lớn nhất: muốn vận hành thành công một dịch vụ trực tuyến cần nguồn tài chính vững mạnh để duy trì nền tảng và phát triển dịch vụ liên tục. Thời điểm đó giá truy cập dịch vụ dial-up đến 400đ/phút, một rào cản khủng khiếp cho cả nhà cung cấp lẫn người dùng. “Mình lo lương cho nhân viên chưa xong làm gì có khoản nhàn rỗi cho đường dài. Cách làm không đúng lại còn sai thời điểm, đi sớm hơn sự chấp nhận của thị trường trong khi năng lực tài chính của mình quá hạn hẹp”.
Như vậy, một dịch vụ không thu được tiền thì doanh nghiệp không thể tích lũy, lượm bạc cắc mà đủ một số lượng thì bền vững hơn. Về sau, Mắt Bão chuyên tâm phát triển các dịch vụ xoay quanh tên miền. Bình tính, mỗi năm cứ 100 khách hàng mang lại doanh thu 100 triệu đồng, biết chăm sóc họ tốt thì năm sau sẽ có chắc 100 triệu. Nhưng một khách hàng mua tên miền chưa đủ, họ cần dịch vụ. Những hãng tên miền quốc tế bán đủ thứ dịch vụ với độ sẵn sàng cao, một tên miền gánh hơn 20 dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Trong khi công ty Việt Nam chủ yếu bán tên miền, chưa kể nhiều tên miền đăng ký nhưng không sử dụng. “Thách thức của chúng tôi là xây “cây” dịch vụ với nhiều cành lá để tăng trưởng, phải kích thích thị trường bằng cách không ngừng tạo ra dịch vụ mới, niềm tin và sự an tâm. Mô hình này giúp Mắt Bão phát triển ổn định và không bị ảnh hưởng ngay trong giai đoạn kinh tế khó khăn”.
Một lần tham quan hãng tên miền Enom của Mỹ, Bình "choáng" với bộ phận R&D đến vài chục ngàn người vừa nghiên cứu công nghệ vừa phân tích hành vi người dùng (user behavior), trong khi công ty Việt Nam chỉ chăm chăm khâu kỹ thuật. Bình giật mình và quyết tâm lập phòng nghiên cứu với nhóm nhân sự ngồi tính toán phát triển gì, tạo ra dịch vụ gì trên nền dịch vụ tên miền và hosting. Giả sử có dịch vụ mới, 10% trong 250 ngàn khách hàng sử dụng với mức 100 ngàn đồng/năm củng thu được 2,5 tỷ và chi phí khách hàng gần như bằng 0. Nếu thu 1 triệu đồng/năm - mức phù hợp ngay cả với khách hàng cá nhân - thì con số lớn hơn nhiều.
Anh cho rằng tính chuyên nghiệp và hiệu quả đóng vai trò quyết định sự thành công của công ty, chứ không phải quy mô lớn nhỏ. "Tham vọng của tôi không ở số người mà là thị phần bao nhiêu, một năm bao nhiêu nhân sự bỏ đi, làm ra bao nhiêu tiền và dùng vào việc gì,". Bình phân tích."Ngày trước dịch vụ chết do thiếu tiền đầu tư, còn bây giờ thách thức là sự đột phá. Ngày trước phải đi bên lề đám đông để khẳng định cái lõi của mình, còn bây giờ phải tìm ý tưởng từ các công ty start-up để tham gia vào."Một số quỹ đầu tư tìm đến, nhưng Bình cho biết cái cần nhất bây giờ không phải là tiền bởi khoản đầu tư 1-2triệu đô la Mỹ không lớn. "Nhận đầu tư là để tìm kiếm công nghệ mới, cách thức quản trị, mô hình dịch vụ mới nhưng chưa có quỹ nào phù hợp".
Bình cho biết, anh vẫn loay hoay với việc xây dựng công ty theo mô hình chuyên nghiệp. Năm 2010, Mắt Bão thuê ngoài thiết kế nhận diện tên miền và cấu trúc lại doanh nghiệp. Từ vị trí đại lý tên miền ICANN (cơ quan quản lý tên miền quốc tế và Internet), Mắt Bão thiết kế lại quy trình đăng ký quản lý, bảo hiểm trách nhiệm thương mại và chứng minh năng lực để đạt quyền làm nhà đăng ký và cấp phát tên miền quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Anh nói:"Những người làm kỹ thuật và tự khởi nghiệp, tự vận hành như chúng tôi nếu không đề ra mục tiêu chuyên nghiệp thì khách hàng sẽ bỏ đi."
KHỞI NGHIỆP SỚM VÀ KHÔNG HOÀN TẤT chương trình đại học nhưng Bình không cổ súy việc bỏ học. Anh nói: "Người ta thường mang tấm gương Bill Gates ra để nói về việc học và thành công nhưng thế giới này có mấy người? Mục tiêu của đời người là phải luôn học và vươn tới dù bằng cách nào, vì thế bỏ học hoặc học không ra hồn đều không nên cổ súy. Mình sẽ khuyên con cái thế nào về sự quan trọng của việc học hành?" Nhiều năm sau khởi nghiệp, Bình chật vật quay lại trường để hoàn thành tấm bằng đại học và tiếp tục chương trình cao học quản trị tư vấn doanh nghiệp. "Thị trường hiện thách thức hơn nhiều, dân kỹ thuật lập nghiệp thiếu nhiều kỹ năng, phải tiếp tục học để bổ sung."
Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hội Tin học TPHCM, đồng thời cũng là chủ tịch công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung - nơi Mắt Bão đặt trụ sở lúc mới thành lập - cho rằng thành công của Mắt Bão là nhờ nhận diện được khá sớm về cơ hội kinh doanh tên miền khi tên miền còn rất sơ khai ở Việt Nam. Người khởi nghiệp đã vạch được chiến lược kinh doanh và chọn đúng phân khúc nên nhanh chóng chiếm giữ vị trí quan trọng trong thị trường tên miền, lấy đó làm nền tảng phát triển các dịch vụ khác. Sự kiên định về chiến lược, sự năng động của người khởi nghiệp và khả năng phát huy sáng tạo của nguồn nhân lực trẻ đã mang đến thành công cho Mắt Bão.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, thị trường hiện lớn hơn nhiều và cạnh tranh cũng khắc nghiệt hơn. Thách thức lớn nhất của bất kỳ một công ty IT nào là phải luôn đổi mới, sáng tạo, cứ mỗi chu kỳ 2 năm nếu không có sản phẩm hay dịch vụ mới được khẳng định trên thị trường thì doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu. "Chắc chắn Mắt Bão phải giải quyết vấn đề này và đây sẽ là thách thức lớn nhất để họ phát triển đột phá và bảo vệ nhưng thành quả đã đạt được." ông Dũng nói.
Đối với Lê Hải Bình, không cần một triết lý sống to tát. "Sống là phải hưởng thụ mới có cơ hội phục vụ trở lại cuộc sống." Anh thừa nhận là mình "độc tài" nhưng điều hài lòng nhất là hơn 10 năm đi qua những khó khăn, Mắt Bão phát triển được là dựa vào những cộng sự tài năng và nhiệt huyết, những nhân sự chủ chốt đã không rời bỏ Mắt Bão dù thị trường lao động ngày càng cạnh tranh dữ dội. Anh nói" "Tôi muốn xây dựng công ty thành một môi trường thật sự thân thiện nhưng không phải để biến Mắt Bão thành một công ty gia đình."
Ông bố trẻ có thể bỏ các cuộc hẹn ngày chủ nhật để dành thời gian cho hai con nhỏ. Buổi sáng đưa con đến trường để tranh thủ chút thời gian trò chuyện. Thi thoảng dắt cô con gái đầu lòng 6 tuổi đi du lịch bụi, đến tận Tây Bắc hay ra nước ngoài "chỉ hai bố con tận hưởng thú vui." Đã qua tuổi tam thập nhi lập, Bình nuôi khát vọng công ty mình đứng vững ở mắt bão - nơi bình yên nhất của cơn bão. Khác với thời sinh viên lập nghiệp, Bình muốn đặt tên công ty là "Bão" (Storm) - một giai điệu lãng mạn réo rắt nhưng hàm nghĩa đầy bão tố.
NHỎ - VỪA - ĐẸP
Sau 11 năm gắn với thị trường tên miền Việt Nam, một phân khúc hẹp của ngành IT, Mắt Bão đã đạt được độ phát triển ổn định với hơn 250 ngàn khách hàng tên miền. Hai mảng kinh doanh chính gồm dịch vụ tên miền và lưu trữ web (domain hosting) đang dẫn đầu với 30% thị phần. Trong toàn thị trường tên miền Việt Nam, lần lượt FPT, Mắt Bão và PA Việt Nam chi phối hơn 80%; với dịch vụ domain hosting, lần lượt Mắt Bão, PA Việt Nam và Nhân Hòa nắm giữ đến 80%. Trung tâm dữ liệu của Mắt Bão cũng đang dẫn đầu ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ.
Nguồn: Forbes Việt Nam - Số 3 Tháng 8 Năm 2013