Chưa đầy 30 tuổi, Lê Hải Bình đã là giám đốc một công ty nằm trong top 3 công ty cung cấp dịch vụ Web Hosting Việt Nam. Cái tên Bình “Mắt Bão’ không hề xa lạ với giới CNTT.
Khởi nghiệp từ… đi bán hoa
Sinh ra trong một gia đình cha là sĩ quan quân đội, mẹ giáo viên, nhưng Bình không nối nghiệp cả cha và mẹ. Sự phát triển của CNTT đã hút hồn cậu bé miền cao nguyên.
Khoảng năm 1995, Đà Lạt bắt đầu hình thành các cơ sở đào tạo tin học căn bản với những chiếc máy tính 286. Học viên được thực hành MSDOS, Viettre, Norton Commander trên các ỗ đĩa mềm vì thầy giáo sợ ... hư đĩa cứng. Năm 1996, Bình xin làm không công cho một cơ sở đào tạo tin học mới mở cần người phụ việc lặt vặt. Năm 1997, đậu đại học Bách Khoa TP.HCM, Bình chọn khoa CNTT.
Để có tiền mua máy tính và cũng để thử sức mình, Bình và một số người bạn tập tành kinh doanh bằng bán hoa và mở văn phòng gia sư. Cứ định kỳ lễ 14/2, 8/3, 20/11, Bình và các bạn mua hoa hồng ở Đà Lạt đưa về TP bán lẻ, kiếm lời. Tiền kiếm “đủ tiêu” nhưng không làm giàu được! Vì vậy, năm 2000, Bình chuyển sang bỏ mối, bán sỉ: mua hoa từ Đà Lạt, bỏ mối cho các tiệm hoa ở Sài gòn. “Nhưng trong một dịp cả nhóm quyết định đánh lớn: Mua hoa từ trước nhiều ngày, dùng thuốc dưỡng hoa và tập kết lên xe tải chở về TP thì các chủ tiệm lấy không hết, cụt vốn, dẹp tiệm cả hoa lẫn văn phòng gia sư!”, Bình kể.
Sau cú “ngã ngựa” đầu tiên trong trường đua kinh doanh, Bình không sờn lòng mà vẫn tiếp tục kinh doanh, nhưng chuyển sang lĩnh vực hợp với chuyên môn của mình: CNTT.
Làm giàu từ lượm bạc cắc
Bình cùng vài người bạn, lập một nhóm làm Web tại TP.HCM. Cả nhóm phân tích: “Đột vào những lĩnh vực như phần mềm hay gia công phần mềm ngay thì không khả thi vì vốn ít, không mối quan hệ, không đối tác. Thời điểm đó, lĩnh vực còn ít người “dòm ngó” là thiết kết website. Làm website nhanh hơn làm phần mềm, khách hàng tuy khó tìm nhưng chi phí đầu tư ít hơn. Ngoài ra, cả nhóm đều trẻ, năng động, khoái thiết kế, chụp ảnh, nghe nhạc nên website làm ra luôn đẹp và thân thiện dù chi phí thấp.
Năm 2002, khi đã có nhiều kinh nghiệm, Bình cùng một người bạn thành lập công ty Mắt Bão chuyên thiết kế web với 3 máy vi tính, số vốn gom góp được 15 triệu đồng. Không ngồi chờ khách hàng, năm đó, Mắt Bão thực hiện khuyến mãi gây “sốc”: “thiết kế web miễn phí”. Chương trình chỉ cần 72 USD phí duy trì hàng năm là có một website nên được doanh nghiệp hưởng ứng.
Khách hàng tăng, nhưng làm dịch vụ trực tuyến và website vẫn “chưa sống được” vì các công ty thiết kế website thành lập ngày càng nhiều. Mắt Bão quyết định chuyển sang hướng cung cấp dịch vụ hạ tầng, tức là, tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng (cung cấp tên miền, hosting, email…), mà khách hàng của các dịch vụ này sẽ là các công ty giống như Mắt Bão lúc đầu. Đây cũng là hướng kinh doanh ít cạnh tranh hơn.
Bình tâm sự: “Làm website “bèo bèo cũng kiếm được 5 – 10 triệu đồng/website, còn cho thuê hosting, thu chỉ 15.000 đồng/tháng, giống như lượm bạc cắc. Mọi người không thèm lượm bạc cắc, tôi thấy phí nên... lượm. Con đường đi này lạ hơn, thênh thang hơn, nên Mắt Bão lại tiếp tục phát triển dù gặp một số khó khăn về nhân sự khi một số người tâm huyết ban đầu ra đi”.
Xuất phát điểm thấp sẽ dễ thành công hơn xuất phát điểm quá cao. Người kinh doanh chỉ thành công khi chọn sản phẩm, dịch vụ phù hợp, chứ không chạy đua theo kiểu người ta bán thứ gì, mình cũng buôn thứ ấy”
Ông Lê Hải Bình
Chinh phục dịch vụ trực tuyến
“Hiện giờ, ở Việt Nam có khoảng 21,66% (19 triệu) người sử dụng Internet. Tôi chỉ muốn tìm cách nào thu mỗi người 1.000đ/tháng thôi!”, Bình chia sẻ , “Đó là tiền thu khi cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho người dùng Internet. Hãy hình dung: Bỏ ra 1.000 đồng/tháng để nghe nhạc “có bản quyền – hợp pháp – chất lượng” thì có nhiều người sẽ đồng ý bỏ tiền, vì ít nhất họ cũng hãnh diện nói với bạn bè: mình nghe nhạc có bản quyền! 1.000 đồng/tháng là số tiền để chứng minh bản thân tôn trọng một cái gì đó hợp pháp, em nghĩ chả ai tiếc”.
“Thanh toán qua mạng tại Việt Nam còn khó khăn cho người dùng Internet chứ không phải là dịch vụ trên Internet không có khách hàng”, Bình nhận định. “Người ta toàn làm kiểu này: bán thẻ (đang nghe nhạc, xem phim phải chạy đi mua cái thẻ, mất cả hứng! hoặc thu tiền qua ngân hàng, bưu điện mỗi lần 30.000 – 50.000 đồng, phiền kinh khủng! Giải pháp thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ) có thể giải quyết được phiền toán này. Và khi đó, chắc chắn người ta sẽ trả tiền”. Mắt Bão đã tập trung đầu tư, xây dựng và triển khai SMS Gateway - giải pháp cung cấp dịch vụ thanh toán tiền lẻ “mọi lúc – mọi nơi”. Giải pháp này thu từ 1.000 – 50.000 đồng tuỳ loại hình dịch vụ (VD: nghe nhạc đóng phí 3.000 VND/tháng, xem phim 10.000 VND/tháng…). Khách hàng ngồi bất cứ đâu cũng có thể trả phí sử dụng dịch vụ trực tuyến bằng cách nhắn tin thanh toán qua ĐTDĐ, hệ thống sẽ tự động thu phí ngay trong tài khoản điện thoại của khách hàng.
Theo Hải Bình: Tuổi trẻ thì phải “dám nghĩ”, “dám làm” nhưng “dám nghĩ” là phải nghĩ những cái gì mới, cái gì hay và phải phân tích cái nghĩ đó cho kỹ lưỡng rồi hãy “dám làm”. Chứ chỉ nghĩ bâng quơ rồi “dám làm” thì không được!”.
Hy vọng, chàng giám đốc trẻ sẽ còn nhiều “chiêu” để thành công trên con đường riêng của mình.
VỀ CÔNG TY MẮT BÃO
Cái tên Mắt Bão, theo Hải Bình là do Bình rất thích nghe hòa tấu. Một hôm nghe bài Storm của Vanessa Mea – nhạc sĩ violin người gốc Singapore, thế là Bình nghĩ ra cái tên Bão nhưng thấy ngắn quá. Liên tưởng đến nơi an bình nhất của cơn bão là mắt bão, với mong muốn công ty đứng ở chỗ bình yên. Cái tên Mắt Bão ra đời.
Mắt Bão là một trong ba nhà cung cấp tên miền, hosting lớn nhất Việt Nam (theo đánh giá của trang web thương mại điện tử webhosting.info thuộc tập đoàn Amazon – Mỹ); có giấy phép OSP – cung cấp dịch vụ trực tuyến và giấy phép ICP – cung cấp dịch vụ nội dung.
Hiện nay, Mắt Bão có 3 văn phòng (2 tại TP HCM, 1 tại Hà nội) và 2 công ty thành viên (công ty Chuyển Mạch và công ty L.E.C), hơn 150 đại lý và gần 20.000 khách hàng trong cả nước. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 200%.
Nguồn: PC World