Kể từ khi ra đời cho tới nay, ngành “Công nghệ thông tin” đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có, nhất là các nước công nghiệp phát triển. Hiện nay ngành công nghệ này đang xâm nhập sâu rộng vào các nước đang trỗi dậy và các nước đang phát triển.
Mỹ là nước tiêu biểu nhất với nền công nghệ thông tin phát triển bậc nhất thế giới hiện nay. Tính tới tháng 12/2008 số người dùng điện thoại di động ở Mỹ đã đạt tới con số 271 triệu, chiếm trên 88% dân số Mỹ, hiện nay hầu như dân Mỹ ai cũng có điện thoại di động. Hàng năm thông tin phát qua mạng điện thoại di động tới 158 tỉ tin, bình quân mỗi phút trên 300.000 tin. Thông tin trên mạng internet cũng tràn ngập tương tự như điện thoại di động.
Tại Nga, tính tới tháng 9/2011 có tới 51 triệu người sử dụng internet, trở thành nước lớn sử dụng internet ở châu Âu. Tại Pháp trong thời gian 10 năm từ 1996 tới 2006 số người sử dụng mạng tới 33 triệu, chiếm 50% tổng dân số. Tại Nhật Bản, công nghệ thông tin được phổ cập vào loại hàng đầu thế giới chỉ sau Mỹ.
Các nhà xã hội học nhận xét “đời sống ảo” tràn ngập vào đời sống hiện thực ở Mỹ cũng như các nước công nghiệp phát triển và một số nước đang phát triển trên thế giới. Nó đang chi phối và khuynh đảo thế giới thực của con người.
“Công nghệ thông tin” được coi là “Ngành bá chủ” hiện nay, vì nó có rất nhiều mặt tích cực, đóng góp to lớn vào sự phát triển xã hội loài người, thúc đẩy kinh tế xã hội cùng tất cả các lĩnh vực khác phát triển mạnh mẽ do những ưu thế như thông tin nhanh nhạy, phong phú, đưa con người đã xích lại gần nhau hơn thông qua giao diện, đối thoại trên mạng. Nó đã tạo điều kiện cho giao dịch buôn bán, thanh toán, trao đổi các mặt trở nên thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm...”Công nghệ thông tin”cũng được mệnh danh là “Thế giới ảo” đang xâm nhập và chi phối thế giới thực.
Bên cạnh những mặt tích cực, thế giới ảo này cũng gây ra rất nhiều tác động tiêu cực, như đánh cắp bí mật quốc gia, rút tiền từ ngân hàng, bạo lực khủng bố trên mạng bằng các tin nhắn, phát ảnh đồi trụy đầu độc trẻ em, các thanh thiếu niên nghiện “game điện tử” như nghiện ma túy, làm tiêu hao sức lực và thời gian học tập. Thực tế ở nhiều nước thời gian qua cho thấy tình trạng hoạt động phạm tội trên mạng hiện đang diễn ra nghiêm trọng thậm chí còn cao hơn so với hoạt động phạm tội đời thường hàng ngày. Thế giới ảo đang khuynh đảo thế giới thực cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
“Báo cáo về tình hình hoạt động phạm tội trên mạng năm 2011” do Công ty Symantec (một công ty chuyên theo dõi an ninh mạng) công bố ngày 7/9/2011 cho biết hàng năm những tên “Kẻ cướp vô hình” đã đánh cắp và gây thiệt hại tài sản cho các ngân hàng trên toàn cầu tới 114 tỉ USD, cao hơn tổng số tiền hoạt động giao dịch mua bán ma túy trên thế giới.
Theo Báo cáo trên, năm 2010 có tới 431 triệu người là nạn nhân của hoạt động phạm tội trên mạng, trong đó có 74 triệu người Mỹ, tổn thất tài sản trực tiếp tới 32 tỉ USD. Cảnh sát Mỹ cho biết riêng tháng 9/2011 có hơn 20.000 thông tin tín dụng cá nhân bị bọn Hacker đánh cắp và chúng đã lấy đi hơn 70 triệu USD qua mạng. Năm 1998 hoạt động phạm tội trên mạng ở Mỹ chỉ có 547 vụ, nhưng năm 1999 đã tăng lên gấp hai lần lên tới 1.154vụ.
Tại Thụy Sĩ, năm 2004 có tới 6.097 vụ phạm tội trên mạng, tăng 4 lần so với năm trước, trong đó tỉ lệ hoạt động phạm tội xâm phạm tài sản cá nhân đã tăng lên gấp bội.
Tại Nhật Bản, đầu năm 2008, cảnh sát đã phát hiện 6.321 vụ án phạm tội trên mạng, tăng 15,5% so với năm trước, trong đó phần lớn là những vụ án Hacker xâm nhập vào tài khoản cá nhân để rút tiền từ ngân hàng.
Năm 2011, có tới 69% người sử dụng mạng Internet là nạn nhân của các hoạt động phạm tội tài sản trên mạng, tính ra mỗi ngày tới trên 1 triệu người là nạn nhân.
Công ty Symantec cho biết trong 12 tháng qua, hoạt động phạm tội trên mạng tăng gấp ba lần hoạt động phạm tội bình thường trong xã hội, tổn thất tài sản cũng theo đó tăng lên rất lớn. Kết quả thăm dò dư luận của Symantec cho thấy tới 30% người được hỏi cho rằng tình trạng hoạt động phạm tội trên mạng như hiện nay thì họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những Hacker thời gian tới.
Symantec nhấn mạnh đáng lưu ý là thanh thiếu niên hiện nay đã trở thành nạn nhân đáng thương của hoạt động phạm tội trên mạng. Số liệu điều tra do Cơ quan Pew cung cấp cho biết số trẻ em 12 tuổi dùng điện thoại di động từ 18% năm 2004 tăng lên 58% năm 2008, hiện gần 90% số vị thành niên (dưới 17 tuổi) dùng điện thoại di động. Trong số lượng thông tin phát trên mạng mà các em truy cập được có rất nhiều tin, ảnh đồi trụy như ảnh khỏa thân, khiêu dâm, tình dục. Thanh thiếu niên là tầng lớp hiếu kỳ, nên đã đón nhận một cách thụ động những thông tin này và rốt cuộc đã gây ra nhiều vụ án thương tâm.
Hoạt động phạm tội qua mạng đã trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, bởi vậy, chuyên gia an ninh các nước kêu gọi đã tới lúc chính phủ các nước trên thế giới cần hợp tác chặt chẽ với nhau và có quy định thống nhất quản lý công tác an ninh mạng, hạn chế và kịp thời ngăn chặn hoạt động phạm tội trên mạng, bảo vệ có hiệu quả tài sản, tinh thần, cuộc sống lành mạnh chung cho xã hội và mọi người.
Để quản lý hệ thống mạng,năm 2001 Ủy ban Châu Âu đã định ra “Công ước hoạt động phạm tội trên mạng”trong đó xác định 9 hành vi với các mức xử phạt thích đáng, như lưu trữ phi pháp, phi pháp tải thông tin trên mạng, phá rối tư liệu lưu trữ, gây rối hệ thống, lạm dụng thiết bị mạng, tạo tư liệu giả tung lên mạng, hoạt động lừa gạt trên mạng, hành vi đồi trụy đầu độc trẻ em, xâm phạm bản quyền. Rất nhiều nước ngoài EUtham gia công ước này trong đó có Mỹ gia nhập năm 2007.
Cùng với công ước quốc tế, các nước, nhất là những nước có nền công nghệ thông tin phát triển đã ban hành rất nhiều bộ luật về quản lý mạng. Tại Mỹ có tới hơn 130 bộ luật và sắc lệnh trong đó có 4 bộ “Luật bảo vệ trẻ em trên mạng”. Luật bảo vệ trẻ em trên mạng quy định: Bất kỳ ai sản xuất, truyền bá trên mạng những tranh ảnh khỏa thân,khiêu dâm đầu độc thanh thiếu niên đều bị truy cứu hình luật và phải chịu mức hình phạt ít nhất 5 năm tù giam. Tại Nga, tháng 9/2000 Chính phủ liên bang đã ban hành ”Quy định an ninh thông tin liên bang”.
Tiếp đó, Chính phủ liên bang Nga đã cho ban hành nhiều luật quản lý mạng liên bang, như “Luật bảo vệ thông tin và mạng internet Liên bang”, “Luật thông tin đại chúng”, “Luật bảo hộ kho tư liệu và máy tính”, “Luật bí mật quốc gia trên mạng”, “Luật bảo hộ quyền tác giả”, “Chiến lược quản lý an ninh mạng tới năm 2020”. Tại Pháp, năm 1998, Chính phủ ban hành “Đề cương hành động thực hiện thông xã hội”, năm 2006 ban hành “Luật thông tin trong xã hội”. Tại Anh, năm 1996, Chính phủ thành lập “Quỹ giám sát mạng internet”, tiếp đó năm 2003 thành lập “Văn phòng quản lý thông tin Chính phủ” với nhiệm vụ tăng cường quản lý an ninh cũng như sự lành mạnh thông tin trên mạng.
Mặc dù công tác quản lý được tăng cường nghiêm ngặt, nhưng “Thế giới ảo” vẫn đang khuynh đảo và chi phối thế giới thực. Thế giới ngày nay trong tình trạng “hư hư thực thực”, “ảo và thực” đan xen nhau, trong đó ảo đang áp đảo thực.
Nguồn: Tầm Nhìn