Tin tức & Sự kiện
news & event
4 12 / 2012

Doanh nghiệp phần mềm "chết khát" trong "biển" nhân lực CNTT

Chỉ tính riêng FPT Software, từ nay đến 2015 sẽ cần tuyển 9.000 người. Trong khi đó, nhân lực CNTT được đào tạo ra lại chưa đáp ứng được chất lượng nên buộc các doanh nghiệp phải mở kênh đào tạo cho mình.

DN-phan-mem-chet-khat-nhan-su-CNTT.jpg

Hiện các doanh nghiệp phần mềm vẫn khát nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trao đổi với phóng viên về nhu cầu tuyển dụng nhân lực, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, cho biết, công ty đã có khoảng 4.000 người đang làm việc và từ nay đến năm 2015, công ty cần tuyển dụng thêm khoảng 9.000 người.
 
Tính riêng trong năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của FPT Software tăng khoảng 40% - 50% so với năm 2011, nghĩa là trung bình mỗi tháng công ty cần tuyển 100 - 120 người. Năm 2013, hướng tới mốc doanh thu trên 100 triệu USD, dự kiến FPT Software sẽ tuyển thêm 2.000 - 2.500 nhân viên cho các vị trí kỹ sư phần mềm, quản trị dự án, kỹ sư cầu nối, biên dịch và phiên dịch tiếng Nhật. Cũng trong 2013, FPT Software dự kiến có gần 2.000 lượt nhân viên được cử đi công tác nước ngoài tại Mỹ, Nhật, Singapore, Châu Âu.
 
Cũng giống như FPT Software, nhiều doanh nghiệp phần mềm khác đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn. Đại diện một doanh nghiệp phần mềm khác tại TP.HCM cho biết, hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng vài nghìn người để có đủ nhân lực cho các hợp đồng làm gia công phần mềm trong giai đoạn 2012-2013. Còn theo con số tính toán chung từ các doanh nghiệp phần mềm, mỗi năm ngành phần mềm cần tuyển 8.000 - 10.000 lao động.
 
Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn cung về nhân lực CNTT lại chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là vấn đề chất lượng. Thống kê gần đây cho thấy, có tới 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề, 70% sinh viên không thành thạo ngoại ngữ.
 
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp phần mềm chỉ còn biết “tự giải cứu” thông qua việc đào tạo lại các ứng viên được lựa chọn, liên kết với các trường đại học, thiết kế những chương trình tuyển dụng cũng như xây dựng một môi trường làm việc hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo cần chủ động hơn nữa trong việc tìm ra mô hình hợp tác, tìm cách nâng cao hình ảnh của nhân lực làm trong ngành công nghiệp phần mềm, tăng cơ hội cho các sinh viên có thể tiếp xúc sớm với công việc dự kiến trong tương lai để chuẩn bị sớm các kỹ năng cần thiết, khi ra trường sẽ làm được việc ngay.
 
Ông Tiến cho biết: “Chúng tôi phải mất ít nhất là 3 tháng để đào tạo lại các kỹ năng cần thiết cho một sinh viên mới ra trường. Đây là điều đáng tiếc vì lẽ  ra, sinh viên phải được đào tạo những kỹ năng đó ở trong trường”. Còn ông Phạm Tú Cường, Trưởng ban Đào tạo Nhân lực FPT Software cho hay: “Nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa đầu ra của các tổ chức đào tạo và yêu cầu của các dự án sản xuất, FPT Software đã xây dựng và cải tiến các chương trình huấn luyện nhân viên mới. Chương trình được thiết kế bài bản bao gồm cả các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm phải có trong khoảng 2-3 tháng trước khi tung tân binh vào những dự án thực tế”.
 
Để đào tạo lại đội ngũ nhân lực cho bài bản, FPT Software đã thành lập một Trung tâm Đào tạo nhân lực phần mềm (CSTC). Trung tâm này sẽ chọn lọc và đào tạo sinh viên từ Đại học FPT và các tổ chức đào tạo Công nghệ thông tin khác trong khuôn khổ chương trình sinh viên thực tập của công ty, sớm tiếp cận nhóm sinh viên tiềm năng để tăng số lượng và chất lượng đầu vào, đồng thời giảm chi phí đào tạo ban đầu. Trong năm 2012, trung tâm đã đào tạo hơn 1.000 tân binh và hơn 1.000 sinh viên thực tập tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. FPT Software cũng dành hẳn một khoản kinh phí tương đương 3-5% doanh thu hàng năm cho các chương trình tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
 
Ngoài FPT Software, nhiều doanh nghiệp phần mềm khác như TMA Solutions; Harvey Nash… cũng thiết lập các trung tập đào tạo để phục vụ trước tiên cho nhu cầu của chính doanh nghiệp.
 
Bên cạnh giải pháp tự đào tạo, các doanh nghiệp còn thường xuyên tổ chức các ngày hội việc làm vừa để tự tiếp thị môi trường làm việc của công ty tới người lao động vừa để hướng nghiệp và "đãi cát tìm vàng". Vào tháng 10 vừa qua, FPT Software đã tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và tuyển dụng (Open Door Day) 2012 nhằm giới thiệu môi trường làm việc, văn hóa công ty và cung cấp thông tin về cơ hội nghề nghiệp tại công ty. Kết quả thu về là công ty đã có được sự quan tâm của hơn 1.000 ứng viên tiềm năng.
 
Tuyển người đã khó song các doanh nghiệp phần mềm còn phải gồng mình xoay sở tìm các phương án hiệu quả nhất để giữ chân người tài. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp phần mềm có quy mô trên 2.000 nhân sự, ngoài chuyện lương, thưởng, môi trường làm việc cũng là yếu tố tác động khá mạnh đến quyết định “đi” hay “ở” của các kỹ sư phần mềm.
 
Nhận định của vị lãnh đạo trên được minh họa rõ nét nhất qua ý kiến của chính các kỹ sư phần mềm. Theo Lê Đức Tiệp, Trưởng nhóm test của dự án Giftango thuộc BU2, Đơn vị phần mềm chiến lược số 1 - FPT Software có thâm niên làm việc 7 năm làm việc tại FPT Software, thì đây là “ một môi trường làm việc năng động cho những người trẻ như mình và quyết định đầu quân cho FPT Software ngay sau khi ra trường vẫn mãi là quyết định sáng suốt”.
 
Như vậy, muốn giải quyết bài toán nhân lực về lâu dài cho ngành, ngoài chuyện ngành giáo dục bắt buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo để “xuất xưởng” một đội ngũ nhân lực đạt yêu cầu của doanh nghiệp thì bản thân các doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng cũng cần chung tay xây dựng một môi trường làm việc “có sao có vạch” để thu hút người tài.
 
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2011-2015, riêng các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cần tới 11.200 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, tập trung chủ yếu vào các ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, thiết kế lập trình web… Cũng giống như TP.HCM, Hà Nội cũng có nhu cầu tuyển dụng một số lượng lớn nhân lực ngành CNTT. Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, để thực hiện các mục tiêu trong Dự thảo Quy hoạch phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, Hà Nội cần khoảng 700.000 nhân lực CNTT.
 
Nguồn: ICTnews