Bức điện tín cuối cùng trên thế giới sẽ được gửi đi vào ngày 14-7 tới tại Ấn Độ, nơi có khoảng 5.000 bức điện tín được gửi đi hằng ngày.
BSNL, công ty viễn thông Ấn Độ, cho biết họ buộc phải chấm dứt dịch vụ điện tín vì nó không còn đem lại lợi nhuận. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, điện thoại thông minh, BSNL cho hay họ mất 23 triệu USD mỗi năm để duy trì dịch vụ điện tín này.
Dù vậy, một số người dân Ấn Độ cho rằng các bức điện tín vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cả nước bởi nó nhanh chóng và hiệu quả.
Bức điện tính cuối cùng trên thế giới sẽ được gửi đi vào ngày 14-7 tới tại Ấn Độ: Ảnh AP
Quyết định trên sẽ đặt dấu chấm hết cho khoảng thời gian tồn tại 144 năm của điện tín, kể từ khi ông Samuel Morse gửi đi bức đầu tiên từ Washington - Mỹ. Tại Ấn Độ, dịch vụ điện tín được giới thiệu lần đầu vào năm 1850 bởi William O'Shaughnessy, một bác sĩ người kiêm nhà phát minh người Anh đã sử dụng một mật mã khác để gửi điện tín.
Điện tín vốn là một công cụ quan trọng của thực dân Anh trong thời gian cai quản Ấn Độ và gắn liền với một số sự kiện chính trong lịch sử nước này. Dần dần, điện tín trở thành một phần trong cuộc sống ở Ấn Độ và thường được dùng để báo tin mỗi khi trong gia đình có người qua đời.
Năm 1985 được xem là thời điểm huy hoàng nhất của điện tín ở Ấn Độ, khi 60 triệu điện tín được gửi và nhận tại 45.000 trạm dịch vụ khắp nước. Ngày nay, chỉ còn 75 trạm được đặt tại 671 quận trong lúc số nhân viên của ngành dịch vụ này bị giảm từ 12.500 xuống còn 998 người.
Tại Mỹ, công ty Western Union đã đóng cửa dịch vụ điện tín vào 7 năm trước.
Nguồn: NLĐ