Theo hãng tin BBC, năm 2012, có hơn 1.700 vụ án liên quan tới các tin nhắn lăng mạ, sỉ nhục gửi trên mạng hoặc qua tin nhắn điện thoại được gửi tới tòa án Anh và xứ Wales.
Con số này tăng 10% so với năm 2011 theo thống kê của Dịch vụ Công tố Hoàng gia (CPS) Anh. Trong đó, gần 600 vụ xảy ra từ giữa tháng 1 tới tháng 5 năm 2013. Những tiết lộ này được công bố sau khi cảnh sát cho biết đang điều tra các tin tweet lăng mạ gửi tới nữ chính trị gia Stella Creasy.
Theo Đạo luật Truyền thông 2003, một người bị khép tội cố tình tấn công người khác nếu họ gửi đi “một tin nhắn hay các thứ khác có nội dung xúc phạm hay nhân vật không đứng đắn, hăm dọa, khiêu dâm” bằng các phương tiện thuộc mạng lưới liên lạc điện tử.
CPS ước tính số vụ giảm trong năm 2010 – 2011 từ 1.637 vụ xuống 1.537 vụ rồi lại tăng lên 1.716 vụ trong năm 2012. Tuy nhiên, CPS không công bố bao nhiêu cá nhân có liên quan hoặc bao nhiêu vụ đã được truy tố thành công.
Phát ngôn viên CPS cho biết không thể bóc tách dữ liệu từ trung ương để chỉ ra bao nhiêu người bị truy tố hay kết quả của từng vụ truy tố.
Bà Creasy nhận được các tin hăm dọa qua mạng xã hội Twitter sau khi công khai ủng hộ nhà vận động nữ quyền Caroline Criado-Perez, người cũng là đích nhắm của nhiều cư dân mạng vì chiến dịch vận động để hình ảnh phụ nữ được xuất hiện trên tiền giấy của Anh. Cả bà Criado-Perez và Creasy đều nhận được đe dọa giết hoặc hiếp dâm qua Twitter.
Hôm 29/7, Del Harvey – Giám đốc cấp cao của Twitter – công bố trên blog nền tảng sẽ mở rộng tính năng “thông báo tweet (độc hại)” đang có mặt trên ứng dụng iPhone sang điện thoại Android và máy tính. Tuy nhiên, bà không cung cấp thời gian thay đổi.
Áp lực đang dồn lên Twitter, buộc nền tảng tiểu blog phải hành động nhiều hơn để quản lý các tin nhắn lăng mạ, sỉ nhục. Cũng vào ngày 29/7, Andy Trotter – Chủ tịch Hiệp hội tư vấn viên cho Cảnh sát – yêu cầu Twitter cũng như các nền tảng khác phải giải quyết triệt để để sự việc không tiếp diễn. “Họ phải làm thế nào để nạn nhân dễ dàng thông báo các vấn đề này và từ góc độ cảnh sát, nạn nhân cần biết phải báo cáo cho chúng tôi”.
Một cuộc vận động kí tên trên trang Change.org kêu gọi Twitter thêm nút “thông báo lạm dụng” đã thu hút hơn 71.000 người ủng hộ tính tới ngày 30/7.
Tuy nhiên, Twitter cho biết xem xét thủ công từng tin tweet là không thể vì lượng người dùng và hoạt động trên toàn cầu quá lớn. Câu hỏi đặt ra là một khi Twitter khiến cho việc “báo cáo lạm dụng” dễ dàng hơn, hãng sẽ phải xử lý với dòng lũ báo cáo đổ về như thế nào.
Nguồn: ICTNews