Tin tức & Sự kiện
news & event
19 09 / 2014

Ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT công ty CP Mắt Bão tham gia tọa đàm "Doanh nhân trẻ vượt bão"

5 doanh nhân trẻ với 5 cá tính kinh doanh khác nhau đã có dịp ngồi lại cùng chia sẻ với nhau và với độc giả BizLIVE những bài học kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như lãnh đạo doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn nền kinh tế đang tăng trưởng nóng và đầy biến động như hiện nay.

Trong 15 năm trở lại đây, không ít doanh nhân trẻ khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, thành lập các công ty sản xuất kinh doanh đa dạng trong giai đoạn nền kinh tế đang tăng trưởng nóng. Khủng hoảng kinh tế thế giới ập đến cùng với khủng hoảng tài chính Việt Nam đã tác động trực tiếp đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có tới 44.500 doanh nghiệp phá sản, giải thể, hoặc đóng cửa.

Cũng có những doanh nghiệp yếu kém, nhưng phần lớn trong số đó là những doanh nghiệp trẻ, vốn tích lũy chưa nhiều. Đó là những cái chết… rất oan uổng! 

Tuy nhiên, những doanh nhân trẻ có tri thức và khát vọng vẫn đứng vững trước sóng gió của thị trường và điều hành doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

- Để tồn tại, để giữ được sức sống của mình, họ đã làm gì để chủ động tìm ra lối đi riêng, mang lại giá trị gia tăng gì cho xã hội? 

- Họ làm được như vậy nhờ đâu: Do sử dụng có hiệu quả đồng vốn? Do quản trị tốt? Do tìm ra được “khe hở”của thị trường để đưa vào những sản phẩm và dịch vụ mới? Do liên kết với các doanh nghiệp khác? ....

- Ngoài nỗ lực tìm ra những ưu điểm khác biệt để gia tăng sức mạnh nội lực trong phạm vi của mình, họ cần gì từ môi trường kinh doanh vĩ mô? Cần gì trong điều hành lãi suất …? 

Những bài học xương máu đó chính là nội dung buổi tọa đàm “Doanh nhân trẻ vượt bão” do báo Điện tử BizLIVE tổ chức, với sự chủ trì của Nhà báo Quốc Vĩnh và diễn giả là 5 doanh nhân lứa tuổi 30 kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau.

- Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sơn Việt, Chủ nhiệm CLB doanh nhân 2030.
- Ông Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão.
- Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- Ông Trần Ngọc Bình, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Trần.
- Bà Trần Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Trang Trần.

Nguyễn Chỉnh , 22 tuổi, Bắc Ninh, Kinh doanh thời trang :
Được biết, lúc đầu công ty của anh Xuân Anh đã bắt đầu với việc kinh doanh máy tính, rồi hàng tiêu dùng nhập khẩu…, nhưng đều không thành công. Cơ duyên nào đưa anh đến với lĩnh vực may mặc đồ lót?
Ông Hà Xuân Anh: Ban đầu, chúng tôi làm rất nhiều việc không thành công. Sau đó, tôi xác định nên làm gì mới là thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, tôi nhận thấy may mặc là thị trường tiềm năng. Cụ thể, các sản phẩm đồ lót khi đó gần như nhập khẩu từ nước ngoài. Tôi có người quen làm đồ lót, nên tôi đầu tư vào làm đồ lót từ thời điểm đó.
Hồ Ái Liễu, 33 tuổi, TP.HCM, Giám đốc thương mại :
Được biết, đã hơn 10 năm nay, chính Xuân Anh là người kiên định mục tiêu chỉ tập trung sản xuất đồ lót nam, nữ phân khúc trung cấp, ít nhiều nó đã mang lại thành công cho bạn. Tuy nhiên, có khi nào bạn nghĩ May Sơn Việt sẽ rẽ hướng chỉ sản xuất hàng cao cấp để cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nhập?
Ông Hà Xuân Anh:

Tôi vẫn chọn phân khúc trung cấp là mục tiêu chính. Do đó, Sơn Việt luôn trung thành với mục tiêu sản xuất song song các sản phẩm trung và cao cấp

Hà Minh Đức, sinh viên :
Xin hỏi anh Hà Xuân Anh, tại sao trong rất nhiều ngành nghề kinh doanh, anh lại lựa chọn gắn bó lâu dài với lĩnh vực đồ lót? Là một người đàn ông khi mới bước chân vào lĩnh vực này, anh đã làm thế nào để vượt qua những định kiến và xấu hổ?
Ông Hà Xuân Anh:

Tôi đã từng đi bán băng vệ sinh nên không có gì là xấu hổ. Tôi thiết kế các sản phẩm đồ lót để đáp ứng nhu cầu khách hàng là niềm tự hào.

Đỗ Minh Hiệp, 33t, lập trình viên :
Cho em hỏi anh/chị, anh/chị đã từng nếm trái đắng trong cuộc đời kinh doanh chưa? Điều gì đã giúp anh/chị vượt qua khi tuổi đời còn quá trẻ?
Ông Hà Xuân Anh:

Trong kinh doanh, đã chọn con đường nào thì phải thực hiện đến cuối cùng. Có trượt chân ra khỏi con đường thì quay lại để đi tiếp.

Ông Lê Hải Bình:

Trái đắng thì nhiều lắm! Vì trong các câu chuyện thì mọi người hay hỏi về thành công, ít hỏi về thất bại. Mắt Bão làm rất nhiều dự án, rất nhiều dự án cũng thất bại. Đó là những trái đắng, nhưng là những trái đắng có ích. Vì sau mỗi thất bại, chúng tôi lại tích luỹ được kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, đôi khi thất bại sau lại vẫn giống như thất bại trước. Đó là một ẩn số của các dự án công nghệ mà ít người lý giải được.
Ông Trần Ngọc Bình:

Có rất nhiều trái đắng trong quá trình phát triển doanh nghiệp của tôi. Và tôi chọn cách là đối diện và vượt qua bằng suy nghĩ tích cực. Tôi đã từng đầu tư để mở rộng thêm ngành nghề và thất bại khiến tôi lặng người.

Mạnh Hùng :
Anh Lê Hải Bình có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ về những người bạn đã cùng anh khởi nghiệp được không? Từ hai bàn tay trắng dựng nghiệp, anh đã trải qua những gian khổ như thế nào để thuyết phục mọi người tin và dùng dịch vụ của mình?
Ông Lê Hải Bình: Cách đây khoảng 7 năm, khi ngồi cafe với một anh bạn học kiến trúc ra, và nói về thị trường quảng cáo trực tuyến và web. Sau mấy tiếng đồng hồ nói chuyện, anh bạn của mình quyết tâm sẽ khởi nghiệp bằng công nghệ thông tin thay vì trở thành một kiến trúc sư.

Câu chuyện không phải là ở khả năng thuyết phục của mình mà ở chỗ sau khi nói chuyện, anh bạn đó đã phát hiện ra rất nhiều cơ hội cho chính anh ấy. Bây giờ anh bạn ấy đã trở thành Giám đốc điều hành của Mắt Bão Media.

Nhìn lại một số công ty hiện tại, người khởi nghiệp đang vận hành một công ty không liên quan gì đến cái mình đã được học.

Làm dịch vụ thì cần xây dựng niềm tin, các bạn có thể xây dựng niềm tin bằng thời gian và sự chân thành. 
Nguyễn Ngọc Anh, 30 tuổi, HCMC, kinh doanh :
Chị Hoàng Phi có thể chia sẻ lần vấp ngã đầu tiên trên thương trường của chị là gì? Cách chị “đứng dậy” ra sao?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Thất bại đầu tiên của tôi cũng như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác là những điều tôi nghĩ khác với những điều khách hàng nghĩ và kỳ vọng. Do đó, dù tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mà tôi nghĩ là tốt nhưng tôi lại thất bại trong việc chinh phục khách hàng của mình.

Cách tôi đứng dậy là phải xuất phát từ khách hàng, hiểu khách hàng trước khi tôi bắt đầu tạo ra sản phẩm và dịch vụ.

Cao Hoàng Hải :
Xin hỏi anh Hà Xuân Anh, anh nghĩ gì về danh xưng “Ông trùm đồ lót Việt” mà mọi người dùng để nói về mình? Liệu sau đồ lót ông có định "lấn sân" sang lĩnh vực khác hay không?
Ông Hà Xuân Anh: Hiện nay, Sơn Việt vẫn có song song các thương hiệu trung và cao cấp. Chúng tôi luôn thực hiện chiến lược song song, không chỉ sản xuất hàng cao cấp mà trung cấp vẫn là phân khúc chính.
Trần Mai Phương, 28, kinh doanh :
Gửi ông Hà Xuân Anh và bà Trần Thùy Trang, công ty của ông/bà đều kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, vậy ông/bà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc?
Ông Hà Xuân Anh:

Về việc giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu Trung Quốc, chính là các doanh nghiệp phụ thuộc vào chính sách phát triển nguồn nguyên phụ liệu của Chính Phủ. Riêng với doanh nghiệp, chúng tôi ưu tiên các nguồn nguyên liệu trong nước (nếu có), đáp ứng được chất lượng, thậm chí giá cao cũng chấp nhận. 

Hiện chúng tôi đang chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các nước TPP, giá cao hơn. Do vậy, doanh nghiệp phải có chiến lược phân khúc lại thị trường, đối tác/khách hàng và định vị lại giá bán đầu ra. 

Nguyễn Thế Anh, 27 tuổi, Hà Đông, Kỹ sư xây dựng :
Tôi xin được hỏi chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Khởi nghiệp và thành công từ một trung tâm chuyên thanh niên khởi nghiệp, chị nhận xét gì về chí hướng, cách suy nghĩ về công việc của các bạn trẻ hiện nay. Điều gì là những khó khăn mang tính phổ biến trong con đường khởi khiệp của các bạn trẻ, những khách hàng đến tư vấn tại trung tâm chị.
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Động lực khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay là rất lớn và rất mạnh mẽ. Giới trẻ hiện nay có nhiều điều kiện để học hỏi và do đó cách suy nghĩ của các bạn cũng rất hiện đại và cởi mở.

Tuy nhiên, giới trẻ thường gặp khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm và năng lực điều hành. Thêm vào đó, người trẻ thường phân tán mục tiêu và thiếu tính tập trung trong khi giai đoạn khởi nghiệp ban đầu điều này rất quan trọng.

 

Màu Tím, 26 tuổi, Hà Nội :
Xin hỏi ông Hà Xuân Anh: Được mệnh danh là ông trùm đồ lót Việt, sở hữu tới ba nhà mát chuyên sản xuất, may mặc đồ lót dành cho nữ ở Sài Gòn, ông có thể chia sẻ, những ngày đầu khởi nghiệp ông có gì gọi là khó khăn hay gặp trớ trêu với món đồ “nhạy cảm” này không?
Ông Hà Xuân Anh:

Lúc đầu, đồ lót nam thì bình thường vì tôi có thể sử dụng hàng ngày. Có thể kiểm tra nghiên cứu được. Còn đồ lót nữ, lúc đó tôi phải đi khảo sát, hỏi ai cũng ngại trả lời, Vì vậy, phần lớn thời gian tôi phải đi thuyết phục những người thân quen, tặng đồ cho họ sử dụng thử để lấy ý kiến và rút kinh nghiệm.

Vũ Minh - Công ty TNHH Phát triển Mặt Trời Việt, 32 tuổi, Hà Nội, Kinh doanh :
Với những người trẻ tuổi khởi nghiệp kinh doanh, ý tưởng và hoài bão thì có nhưng vốn là bài toán khó. Theo anh chị, làm thế nào để các nhà đầu tư mạo hiểm chú ý tới tôi?
Ông Hà Xuân Anh:

Khi có ý tưởng, bạn phải lập dự án khả thi. Sau đó, đem ý tưởng, dự án đó đến một số trung tâm khởi nghiệp, ví dụ như BSSC (Số 4 Alexandros, Q1, TP.HCM), hoặc gửi dự án trực tiếp đến các Quỹ đầu tư mạo hiểm... Nếu dự án khả thi, bạn sẽ được các nhà đầu tư quan tâm.

Trần Nam Phong :
Xin hỏi anh Lê Hải Bình: Anh từng nói rằng anh muốn xây dựng một công ty sáng tạo, với thiết kế mở như Google... Vậy anh có thể nói rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp mà anh muốn tạo dựng cho công ty mình được không?
Ông Lê Hải Bình:

Có một clip trên website của công ty về văn hoá của Mắt Bão là "làm hết sức, chơi hết mình". Người Mắt Bão có thể làm việc quên hết tất cả mọi thứ xung quanh, nhưng khi chơi thì lại quên hết sạch công việc. Hơn 1.000 con người ở Mắt Bão là một gia đình lớn, nhưng gia đình đó có quy tắc có thưởng phạt phân minh. 

 

Vân Dung, 35 tuổi, Hà Nội, Giám đốc sáng tạo :
Anh Ngọc Bình nghĩ gì về thế hệ doanh nhân mới hiện nay? Từ kinh nghiệm thực tế, theo anh, trong bối cảnh khó khăn bủa vây nền kinh tế như hiện nay, phải chuẩn bị gì khi khởi nghiệp kinh doanh?
Ông Trần Ngọc Bình:

Hiện nay thế hệ doanh nhân trẻ là một lực lượng rất lớn trong xã hội. Đa số những doanh nhân trẻ hiện nay rất năng động, sáng tạo và có hoài bão lớn. Tôi tin tưởng vào thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay.

Về chuẩn bị để khởi nghiệp kinh doanh, tôi nghĩ đầu tiên bạn phải hiểu được năng lực bản thân của mình, điểm mạnh cũng như điểm yếu. Tiếp theo đó bạn phải tìm hiểu thị trường mà bạn đang định hướng tới để chọn cho mình phân khúc, chiến lược. Bạn nên có một bản kế hoạch chi tiết cho những việc mà bạn định làm. Sự chuẩn bị tốt sẽ mang lại cho bạn kết quả vượt ngoài mong đợi. Nhưng cũng đừng chần chừ quá và nên bắt đầu có những hành động. 

Ngoài ra bạn cũng đừng ngại với thị trường cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Luôn có nhiều cơ hội cho tất cả mọi người. Có thể có những ngành nghề nhiều người làm rồi và bạn ngại cạnh tranh nhưng nếu bạn tham gia và vượt qua được thì bạn sẽ có được doanh thu lớn hơn thay vì chọn những ngành hẹp. 

 

Nguyễn Văn Linh, 27 tuổi :
Anh Lê Hải Bình nghĩ gì về chữ "trẻ"? Trẻ trong kinh doanh có thú vị không? Có liều lĩnh không? Có bất chấp không?
Ông Lê Hải Bình: Trẻ là một lợi thế lớn trong kinh doanh, người trẻ thường cháy hết mình và liều lĩnh. Nhưng thường chỉ những người liều lĩnh có tính toán thì mới có cơ hội thành công.
Phạm Thành Long, nhân viên kinh doanh :
Xin hỏi diễn giả Lê Hải Bình: Trong kinh doanh anh có nỗi sợ nào không? "Bão" nào với anh là khó vượt qua nhất?
Ông Lê Hải Bình:

Sợ nhất là không vượt qua mình được. Trong quá trình kinh doanh, mình cũng gặp nhiều "bão", nhưng không phải là quá đáng sợ. Vì xung quanh Bình luôn có các cộng sự là giám đốc điều hành của các công ty thành viên. Họ giúp mình vượt "bão" rất nhiều.

Nếu như trong tương lai có một cơn bão nào thực sự đáng sợ. Có thể Bình sẽ chia sẻ cho các bạn trong một dịp khác.
Trần Văn Thành, 30 tuổi, Đồng Nai, kinh doanh :
Tôi có câu hỏi xin hỏi chị Hoàng Phi: Để gia nhập đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp thì cần có những điều kiện như thế nào?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Tôi không nghĩ ra điều kiện nào khác ngoài các khái niệm thông thường khi người ta nghĩ đến doanh nhân là phải có tham gia vào quá trình kinh doanh, tạo ra một mô hình kinh doanh mới. 

Tuy nhiên, khái niệm khởi nghiệp bản thân nó ngoài yếu tố mới còn đòi hỏi sự sáng tạo và tính đổi mới. Do vậy, tôi mong muốn rằng doanh nhân khởi nghiệp ngoài việc tạo ra một doanh nghiệp mới phải đổi mới và sáng tạo.

Tô Ngọc Linh, 27t, nhân viên sales :
Chị Trần Thùy Trang: Đối tượng khách hàng của chị rất trẻ. Theo chị, làm thế nào để chinh phục được phân khúc khách hàng năng động này?
Bà Trần Thùy Trang:

Đối tượng khách hàng là trẻ em tuy nhiên quyết định mua hàng là người lớn, sản phẩm phải chinh phục hai đối tượng người mua hàng và người sử dụng. Với người mua hàng có hai yếu tố để cạnh tranh đó là chất lượng sản phẩm và giá thành.

Những em bé, ngoài yếu tố về hình thức phải có được sự thoải mái khi mặc trang phục mang nhãn hiệu Vanilla.

Lại Hồng Nhung, 42t, nhân viên marketing :
Chào chị Trần Thùy Trang, tôi muốn hỏi phản hồi nào từ khách hàng về sản phẩm sẽ khiến cho chị quan tâm nhất?
Bà Trần Thùy Trang:

Rất vui được trả lời câu hỏi của bạn. Là nhà sản xuất và phân phối, thực hiện hai vai trò thì tất cả các phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩn, chất lượng phục vụ thì công ty đều quan tâm. Bởi vì tiêu chí của công ty không chỉ là bán hàng mà là làm hài lòng khách hàng khi khách sử dụng sản phẩn.

Nguyễn Mạnh Quân, Bình Dương :
Xin hỏi diễn giả Hà Xuân Anh, là một người đang kinh doanh trong ngành dệt may, anh đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức mà hiệp định TPP (nếu được ký kết) sẽ mang lại cho doanh nghiệp của anh? Hiện nay doanh nghiệp cảu anh đã chủ động được bao nhiêu % nguồn nguyên liệu?
Ông Hà Xuân Anh: Hiệp định TPP khi được ký kết, cơ hội sẽ có nhiều thị trường xuất khẩu là ưu đãi về thuế. Ngược lại, chúng ta phải cạnh tranh sản phẩm của các nước TPP đưa vào Việt Nam. Thứ hai, nguồn nguyên vật liệu đã chuyển hướng sang các công ty trong nước và trong TPP.
Lê Lâm, sinh viên :
Câu hỏi cho anh Lê Hai Bình: Bản lĩnh nào đã giúp anh tìm ra những "khe hẹp" của thị trường, để tạo dấu ấn riêng cho Mắt Bão?
Ông Lê Hải Bình: Việc tìm ra "khe hẹp" hoặc ngách của thị trường không phụ thuộc vào bản lĩnh của người điều hành mà phụ thuộc vào khả năng học hỏi của người điều hành và đội ngũ liên quan.

Chúng ta có thể tìm hiểu trên Internet, ngồi tán dóc với bạn bè đồng nghiệp, thậm chí các bạn sinh viên nữa... để tìm ra thị trường ngách. Tuy nhiên, việc tìm ra thị trường ngách không quyết định là kinh doanh thành công hay không. Chúng ta phải khai thác triệt để thị trường ngách đó theo một cách riêng. 
Trần Bình, 27 tuổi, TP.HCM, kinh doanh tự do :
Một câu hỏi dành cho bà Trần Thùy Trang: Thưa bà, là một nữ doanh nhân trẻ lập nghiệp, yếu tố đầu tiên bà nghĩ đến là lợi nhuận trước mắt hay xây dựng thương hiệu lâu bền?
Bà Trần Thùy Trang:

Doanh nhân trẻ lập nghiệp yếu tố đầu tiên nghĩ đến là xây dựng thương hiệu với chi phí thấp mà hiệu quả cao nhất. Có thể thông qua nhiều hướng khác nhau, có thể nhờ đơn vị chuyên nghiệp, hoặc tự mình tìm ra một hướng xây dựng từ từ theo khả năng của mình, như vậy không ảnh hưởng đến nguồn vốn. Thương hiệu là tài sản mang tính kế thừa do đó cũng là những khoản lợi nhuận của doanh nghiệp.

Lê Nguyễn Hoài Linh, 22, sinh viên :
Nguồn tài chính là yếu tố quyết định trong giai đoạn đầu của các công ty khởi nghiệp. Theo anh chị, nếu chưa tích lũy đủ vốn riêng, tôi có nên sử dụng vốn vay ngay từ đầu (thế chấp bằng tài sản của gia đình) để khởi nghiệp?
Ông Hà Xuân Anh: Trước khi mở công ty, tôi có thời gian đi làm thuê cho các công ty trong và ngoài nước. Trong quá trình đi làm, tôi tích lũy vốn cùng lúc đó phải vay mượn người quen. Song song đó, kết hợp với việc huy động vốn từ bạn bè. Cuối cùng, trong quá trình phát triển, tôi dùng lợi nhuận tái đầu tư. 
Phan Nguyên Đức, 26, nhân viên văn phòng :
Gửi ông Hà Xuân Anh, trong hàng may mặc có rất nhiều thị trường ngách, tại sao ông lại chọn phân khúc hàng đồ lót để phát triển kinh doanh?
Ông Hà Xuân Anh:

Phân khúc hàng đồ lót đã chính là thị trường ngách rồi. Cách đây 10 năm hầu như các doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đồ lót. Chủ yếu hàng đồ lót được nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Thậm chí, thời điểm này ngành thời trang đồ lót tại Việt Nam chưa phát triển, vẫn bị hàng nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường.

Lê Thùy Linh, 20, sinh viên :
Chào anh Bình, trong khi tuổi đời còn rất trẻ, anh lấy đâu ra nguồn vốn để khởi nghiệp kinh doanh?
Ông Lê Hải Bình:

Khởi nghiệp công nghệ thực sự không đòi hỏi nhiều vốn lắm. Tuy nhiên, các bạn không nên trông chờ vào vốn đầu tư được rót từ đầu mà hãy nhìn vào các nguồn vốn trong tương lai. Chẳng hạn như doanh thu từ khách hàng, từ các nhà cung cấp, hoặc là công nợ từ các đối tác cung cấp dịch vụ để khởi nghiệp.

Mắt Bão khởi nghiệp từ năm 2001, với số vốn ban đầu rất nhỏ và luôn luôn sử dụng doanh thu từ khách hàng để tái đầu tư. Do vậy, hầu như trong công ty ở thời điểm đầu không có tiền mặt dư thừa. 

Hiện tại các bạn trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hơn 10 năm trước rất nhiều. Các bạn có thể tham dự vào các diễn đàn khởi nghiệp, các cuộc thi, hẹn hò với các anh chị đang điều hành doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn về tiền và về kinh nghiệm.

 

 

Tô Linh Hương, 26 tuổi :
Là một phụ nữ làm kinh doanh, chắc chắn chị Trương Lý Hoàng Phi gặp không ít khó khăn. Vậy động lực nào giúp chị vượt lên khó khăn cũng như những thách thức trong kinh doanh?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Thách thức là điều không thể tránh khỏi. Để vượt qua những thách thức này tôi nghĩ về mục tiêu ban đầu tôi muốn là gì, những giá trị mà tôi muốn hướng đến trong kinh doanh và chính nó là động lực giúp tôi vươn lên.

Và chắc bạn cũng đồng tình, phụ nữ cũng có thể đạt được những thành quả trong sự nghiệp và phụ nữ cũng cần có sự nghiệp riêng. Tôi cho đây là động lực quan trọng.

Nguyễn Châu Anh, 21t, sinh viên kinh tế :
Khi mới khởi đầu kinh doanh, anh/chị coi trọng điều gì nhất bên cạnh doanh thu? Triết lý kinh doanh xuyên suốt cả quá trình của anh/chị là gì?
Ông Hà Xuân Anh: Khi mới kinh doanh, duy trì và phát triển công ty là quan trọng. Nhưng triết lý kinh doanh của tôi, mục đích không chỉ vì lợi nhuận mà song song đó phải tạo ra những giá trị cho xã hội. Chẳng hạn, trong thời bình hiện nay, doanh nghiệp làm sao tạo ra được thương hiệu cạnh tranh với những sản phẩm ngoại nhập. Thậm chí, đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam ra quốc tế. Đó là niềm tự hào dân tộc.
Nguyễn Mai Chi, 29t, lao động tự do :
Là phụ nữ, tôi rất quan tâm đếm thời trang đồ lót, nhưng chất lượng hàng Việt còn thua xa hàng ngoại. Làm thế nào để anh có thể tạo nên những dòng sản phẩm có chất lượng tương đương với thương hiệu nước ngoài về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu, và nhất là kỹ thuật may?
Ông Hà Xuân Anh:

Chiến lược của Sơn Việt là song song sản xuất gia công và Nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Đồng thời, sản xuất nhãn hiệu riêng để bán cho thị trường nội địa và xuất khẩu, nên cam kết chất lượng tương đương với các nhãn hiệu nổi tiếng.

Nguyễn Thùy Anh, 28, Hà Nội, nhân viên văn phòng :
Xin được hỏi anh Lê Hải Bình: Thành công ở tuổi còn rất trẻ, anh có coi yếu tố “ăn may” quyết định nhiều tronh sự thành công của mình? Anh có thể chia sẻ những gì tâm huyết nhất cho bọn em, những người trẻ đang khao khát thành công trong con đường lập nghiệp?
Ông Lê Hải Bình:

Trong kinh doanh thì may mắn chiếm một tỷ trọng nhất định trong sự thành công. Tuy nhiên, chúng ta không thể thành công bằng việc ăn may được, mà phải chụp lấy cái may mắn đó kịp thời. 

Các bạn trẻ có tâm huyết, có mong muốn thành công trong con đường lập nghiệp cần chụp lấy cơ hội kịp thời, dồn hết tâm huyết cho công việc và luôn luôn lạc quan tin tưởng vào khả năng và cơ hội thành công của mình. Điều này sẽ giúp cho các bạn dễ đạt được mục đích hơn.
Nguyễn Xuân Duy, 18 tuổi, HCMC, sinh viên kinh tế :
Chào chị Hoàng Phi, được biết chị là dân Hành chính, vậy ý tưởng thành lập Trung tâm Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bắt nguồn từ đâu?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Tôi nhìn thấy những quốc gia lân cận họ phát triển mô hình Vườn ươm doanh nghiệp rất mạnh và tạo ra động lực sáng tạo lớn trong đối tượng trẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, những người khởi nghiệp ở Việt Nam đa phần loay hoay giải quyết nhiều vấn đề trong quá trình khởi nghiệp của mình. Do đó, tôi nghĩ người khởi nghiệp cần có một nơi mà quá trình khởi nghiệp có thể đơn giản, hiệu quả hơn thông qua việc giải quyết nhiều bài toán trong quá trình khởi nghiệp (như cơ sở vật chất, vốn, tư vấn, huấn luyện, xúc tiến thương mại...).

Chúng tôi mong muốn tạo ra một nơi kết nối hỗ trợ để giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.

Trần Ngân, 28 tuổi, Đà Nẵng, Trường phòng nhân sự :
Khi khởi nghiệp thường nhiều hoài bão nhưng ít kinh nghiệm, các anh chị sẽ làm gì để thừa nhận điểm yếu của bản thân trước cộng sự và nhân viên của mình?
Ông Trần Ngọc Bình:

Rất đúng. Đa số đều khởi nghiệp nhiều hoài bão và ít kinh nghiệm và tất nhiên việc thừa nhận điểm yếu của bản thân sẽ làm cho mình cải thiện được điều đó. Khi có những ý kiến của những người cộng sự, đối tác, nhân viên, điều đầu tiên là lắng nghe và ghi nhận những điều đó nếu có một số ý kiến hơi trái chiều thì tôi thảo luận thêm để được lắng nghe và phản biện sâu hơn. Từ những ý kiến đó tôi rút ra được cho mình cách làm hợp lý hơn và để giải quyết vấn đề.

 

Lê Huyền Trang, 21, sinh viên :
Thưa anh Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão, thật ngưỡng mộ vì với tuổi đời trẻ như vậy nhưng anh đã làm chủ một công ty có đội ngũ hơn 270 người. Được biết nhân sự công ty anh có tuổi đời trung bình là 26. Với đội ngũ nhân sự trẻ như vậy, anh có gặp những khó khăn nào trong việc điều hành không?
Ông Lê Hải Bình: Mình muốn đính chính lại thông tin, đội ngũ nhân sự của Mắt Bão đến tháng 9/2014 là hơn 1.000 người và đều rất trẻ. 

Thực tế với đội ngũ trẻ như vậy, không quá khó khăn để điều hành và làm việc với họ. Bởi vì người trẻ thì họ quan tâm nhiều đến văn hoá của công ty, đến môi trường làm việc, đến bạn đồng hành trong công ty hơn là những yếu tố khác.

Như vậy, để mọi người cảm thấy muốn sống và muốn cống hiến cho Mắt Bão thì trách nhiệm của tôi và những người điều hành là làm sao xây dựng được một môi trường mà mọi người muốn sống và làm việc ở trong đó.
Nguyễn Tuyến, kỹ sư công nghệ :
Nhiều người nói rằng công nghệ thông tin là một lĩnh vực rất nhiều tiềm năng để khởi nghiệp hiện nay, nhưng tôi nghĩ rằng nó cũng rất nhiều khó khăn và thách thức. Xin hỏi anh Lê Hải Bình, so với thời điểm anh khởi nghiệp (sau khi Internet vào Việt Nam) thì khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay thuận lợi hơn hay khó khăn hơn? Nếu tôi có số vốn chỉ vài trăm triệu thì nên lựa chọn lĩnh vực nào để khởi nghiệp?
Ông Lê Hải Bình: Công nghệ thông tin là lãnh vực có thể khởi nghiệp với số vốn ban đầu rất thấp. Đó là một cái thuận lợi rất lớn đối với các bạn. Nhưng nó cũng là một cái khó khăn rất lớn. Vì cái gì mà dễ làm thì cái đó cũng dễ "chết". 

Thời điểm hiện tại so với cách đây 10 năm, khởi nghiệp công nghệ có nhiều thuận lợi hơn. Vì các bạn có cơ hội tiếp cận với các ý tưởng, công nghệ và cơ hội, nguồn vốn nhiều hơn. Tuy nhiên, thách thức có thể nhiều hơn vì nhiều người cũng có cơ hội tiếp cận như vậy. Mà thị trường thì chỉ chấp nhận 1 hoặc vài dự án khởi nghiệp cùng ý tưởng thành công mà thôi.


Nếu bạn xác định khởi nghiệp công nghệ, thì hãy suy nghĩ về ý tưởng, tâm huyết, mục tiêu, định hướng và bạn đồng hành trước khi nghĩ đến chuyện với vài trăm triệu thì chọn cái gì. Bởi vì khi chưa xác định được mục tiêu thì tiền không giải quyết được vấn đề gì hết. 

 

Phan Nam Anh, Nhân viên kinh doanh :
Tôi tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng năm 2009, đã đi làm hơn 5 năm và luôn muốn kinh doanh riêng. Tôi có nhiều ý tưởng nhưng cảm thấy thiếu tự tin vì hạn chế nguồn lực tài chính và cả kiến thức. Nhiều người khuyên tôi ra nước ngoài học thêm trước khi khởi nghiệp. Theo anh Ngọc Bình, tôi có nên đi học tiếp?
Ông Trần Ngọc Bình: Nếu thực sự bạn muốn kinh doanh bạn có thể bắt đầu làm từ bây giờ, bạn nên có những trải nghiệm từ hành động thay vì là phải học. Quá trình hành động của bạn sẽ mang lại cho bạn nhiều giá trị mà bạn sẽ không ngờ tới. Và bạn vẫn có thể đi học trong quá trình đó. 
Nguyễn Diệu Linh, 23 tuổi :
Xin được hỏi anh Lê Hải Bình, Công ty Mắt Bão: Vì sao anh đặt tên công ty là "Mắt bão"? Tính cách của anh có gì điểm gì tương đồng tên thương hiệu này không?
Ông Lê Hải Bình: Thường thì sau khi một doanh nghiệp có tương đối trên thị trường hay nghĩ đến câu chuyện liên quan đến cái tên của mình.

Lẽ ra Mắt Bão phải nghĩ ra một câu chuyện hay cho cái tên của mình. Tuy nhiên, cũng như nhiều bạn khởi nghiệp khác, cái tên Mắt Bão tương đối tình cờ.

Khi mà mở công ty, mình nghe hoà tấu rất là nhiều. Mình rất thích bài violon Storm nên quyết định đặt tên công ty là Bão. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch Đầu tư không cho đặt tên công ty một chữ, nên mình đặt tên là Mắt Bão. Đây là một cái tên rất tình cờ.

Mắt Bão bản thân là tâm của bão, là nơi yên bình nhất trong cơn bão. Về sau, mình hiểu ra được khái niệm đó nên mong muốn đưa khách hàng đến một nơi yên bình chung với mình. 
Lê Thị Thanh Thanh, 22, tự do :
Thưa chị Hoàng Phi, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp có sẵn sàng hỗ trợ các kế hoạch khởi nghiệp ở các tỉnh miền Bắc không? Các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) làm thế nào để có thể nhận được hỗ trợ của Trung tâm?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Việc hỗ trợ về mặt tư vấn là không giới hạn địa lý, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho bất kỳ ai khởi nghiệp cần đến chúng tôi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vốn thì có giới hạn ở khu vực TP.HCM. 

Trung tâm điều hành Vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình đa ngành. Do đó, những lĩnh vực về nông nghiệp vẫn được trợ giúp để phát triển. Thực tế, tính đến thời điểm này, lĩnh vực này chiếm khoảng 40% trong các dự án được Trung tâm hỗ trợ.

 

Đỗ Việt Trung, 26t, nhân viên kinh doanh :
Anh chị tích lũy vốn để bắt đầu như thế nào? Làm sao để tìm được các nhà đầu tư rót vốn?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Điều mà nhà đầu tư quan tâm trước hết là ý tưởng, sau đó là khả năng biến ý tưởng đó thành hiện thực. Do đó, có thể nhận thấy điều đầu tiên người ta đầu tư vào con người để tạo ra một sản phẩm hoặc một mô hình kinh doanh tốt.

Trên cơ sở đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư góp vốn có thể thông qua các kênh mà bạn quan tâm. Thứ nhất, tham gia các sàn giao dịch ý tưởng. Thứ hai, tìm đến các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Thứ ba, tham gia huy động vốn từ cộng đồng. Thứ tư, tìm đến một số quỹ đầu tư (tất nhiên khi mô hình kinh doanh phải đạt đến mức tăng trưởng nhất định).

Việc tích lũy vốn có thể bắt đầu từ bản thân, gia đình, khách hàng, đối tác.

Ông Trần Ngọc Bình:

Với khởi nghiệp số vốn của mình gần như là bằng 0, mình phải bắt đầu vòng vốn thông qua bán hàng, lấy lợi nhuận để bù đắp trong quá trình đó và vận dụng các nguồn ký quỹ của khách hàng, công nợ từ nhà cung cấp để có nguồn vốn luân chuyển để quay vòng vốn.

 

Vũ Kim Thu, 32t, giáo viên :
Là đàn ông, những ngày đầu khởi nghiệp anh có ngại ngùng nhiều không khi đi tiếp thị sản phẩm đồ lót?
Ông Hà Xuân Anh:

Tôi đã từng đi bán băng vệ sinh cho phụ nữ. Sản phẩm là sản phẩm, nên tôi không có gì ngại ngùng. Kinh doanh sản phẩm nào cũng là sản phẩm, không nên phân biệt các sản phẩm với nhau.

Hà Phương, 25 tuổi :
Theo chị Trương Lý Hoàng Phi, khó khăn lớn nhất trong hành trình đi đến thành công của một nữ doanh nhân là gì?
Bà Trương Lý Hoàng Phi:

Khó khăn lớn nhất là vượt qua những giới hạn về tư duy trong kinh doanh của giới nữ nói chung. Một khoảng thời gian dài người ta nghĩ người phụ nữ không cần suy nghĩ và làm những điều quá lớn lao và điều đó làm cho nữ giới bị rào cản.

Thứ hai, kinh doanh đòi hỏi sự kiên trì và đôi khi đòi hỏi sự hy sinh trong khi phụ nữ thì cần phải cân bằng nhiều khía cạnh cuộc sống.

Để đạt được cùng mức độ thành công như nam giới ở cùng vị trí của mình bạn phải nghĩ rằng bạn phải phấn đấu gấp đôi. 

Phạm Thái Dương, 31t, nhân viên kinh doanh :
Anh Trần Ngọc Bình thân mến, công việc khởi nghiệp của anh bắt đầu từ những việc rất đời thường, thiết thực. Theo anh, việc này có thể là một gợi ý tốt cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh hay không?
Ông Trần Ngọc Bình:

Chính xác! Nếu bạn chưa từng kinh doanh, chưa hiểu biết về khởi nghiệp thì chính bạn nên tự tay mình trải nghiệm những công việc đơn giản nhất. Tự đặt ra cho mình những chỉ tiêu cho mình như những người nhân viên khác và đôi khi bạn phải tự tay làm những công việc nhỏ nhất, đó là nền tảng tốt cho bạn về sau này mà bạn nên làm.

Phạm Thị Tâm, 42t, bán hàng :
Trước khi kinh doanh đồ lót, anh từng trải qua những công việc gì? ý tưởng nào khiến anh quyết định đặt toàn bộ đời mình vào việc theo đuổi ngành kinh doanh đầy thách thức này?
Ông Hà Xuân Anh:

Đã trải qua rất nhiều môi trường làm việc, làm thuê không phải mục tiêu cuối cùng nên tôi bứt ra làm chủ để thực hiện ý tưởng của mình.

Hoài Thu, 27 tuổi, Hà Nội, Thiết kế thời trang :
Nhiều người thường nói, làm kinh doanh sẽ phải hy sinh thời gian bên gia đình. Với Thùy Trang,bạn sẽ làm gì để hòa hợp 2 yếu tố đó? Nếu buộc phải lựa chọn 1 trong 2, Thùy Trang sẽ chọn cái nào: công việc hay gia đình?
Bà Trần Thùy Trang:

Có ba yếu tố đó là gia đình, bè bạn, công việc mình phải cân các yếu tố đó tạo thành một thế kiềng ba chân. Yếu tố nào cũng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.  

Nếu khuyết đi một trong những yếu tố đó thì cũng khó có thể phát triển bền vững được, như vậy cũng chưa thể nói là thành công được. Thành công trong cuộc sống con người phải là sự tổng hòa của các mối quan hệ đó.

Đoàn Kim Cúc, 25t, tự do :
Bước ngoặt nào lớn nhất đã đưa anh tới quyết định đầu tư ba nhà máy trong tình hình kinh tế đang khủng hoảng này?
Ông Hà Xuân Anh:

Thời điểm này tôi đang đón đầu rất nhiều nhà sản xuất chia sẻ bớt thị phần từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Tôi đầu tư thêm nhà máy để sản xuất thêm đơn hàng của các thương hiệu nước ngoài. Tất nhiên, công ty cũng đã có những đối tác nước ngoài đặt hàng, nên phải đầu tư thêm nhà máy

Vũ Anh Thơ, 35t, giảng viên :
Chào anh Trần Ngọc Bình! Để phát triển kinh doanh đường dài, yếu tố nào là quan trọng nhất ở doanh nghiệp của anh?
Ông Trần Ngọc Bình:

Thứ nhất theo tôi là trong quá trình phát triển doanh nghiệp phải là quá trình không ngừng cải thiện, tự luôn luôn đánh giá bản thân cho việc phát triển trong tương lai. Yếu tố thứ hai là cần có sự tập trung và  thứ ba là cơ cấu nhân sự doanh nghiệp phải có những người cùng đồng hành để có thể đi được đường dài...

Hoàng Mạnh Tiến, kỹ sư :
Xin hỏi anh Lê Hải Bình: Kinh doanh có chiếm hết tâm trí của anh? Nghe nói anh là người "ham đủ thứ", thú vui nào giúp anh sáng tạo, mới mẻ, mạnh mẽ, vui vẻ...?
Ông Lê Hải Bình:

Thực tế thì rất nhiều người khi làm kinh doanh sẽ nghĩ rằng công việc sẽ chiếm nhiều thời gian của họ. Nhưng theo cá nhân tôi phải cân bằng giữa kinh doanh và cuộc sống. Khi khởi nghiệp, thời gian mình dành cho công việc chiếm mười mấy tiếng một ngày, hiện thì thời gian làm việc của mình ít hơn tám tiếng, còn lại thời gian dành cho nhiều việc khác.

Trong những chia sẻ với bạn bè, tôi luôn nói phải Enjoy life.

Mọi người thường nói tôi là Bình "thích đủ thứ"", tôi cũng có nhiều thú vui thường nhật như đi du lịch, chơi thể thao, tán dóc với bạn bè... thậm chí ngồi nghe những bạn khởi nghiệp nói cả ngày trời mà không thấy chán.

 

 

Bùi Hương Liên, 24t, nhân viên marketing :
Em đang làm việc trong ngành marketing, nên rất tò mò muốn biết những chiêu tiếp thị nào đã giúp anh cạnh tranh trực tiếp với những "gã khổng lồ" trong ngành đồ lót?
Ông Hà Xuân Anh:

Trong marketing, nên làm theo kiểu biết người biết ta. Tức là làm những chương trình marketing phù hợp với ngân sách. Chọn những kênh mang lại hiệu quả cao nhất nhưng chi phí thấp nhất. Không dùng tiền làm marketing bom tấn, sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả nhất.

Đinh Công Chiến, 19t, sinh viên :
Bí quyết sống của riêng anh, để có thể vừa kinh doanh, vừa làm chủ nhiệm một CLB rất trẻ của doanh nhân, vừa làm công tác cộng đồng?
Ông Hà Xuân Anh:

Một người không thể cùng lúc làm nhiều việc. Nên hài hòa kết hợp với nhiều người để cùng làm. Đừng đơn độc.

Trần Thị Mai, 45t, nội trợ :
Mục đích sống của anh Hà Xuân Anh là gì?
Ông Hà Xuân Anh:

Mục đích sống tức là làm được những việc có giá trị và lợi ích cho xã hội. Sống có ý nghĩa là mục tiêu của người trẻ.

Nguyễn Tuấn, 22 tuổi :
Thưa anh Hà Xuân Anh, Từ trải nghiệm của cá nhân, anh nghĩ gì về mối liên hệ giữa yếu tố trẻ và sáng tạo?
Ông Hà Xuân Anh: Mối liên hệ trẻ đi cùng đột phá và sáng tạo. 
Phan Bá Dũng, Sinh viên :
Anh Hà Xuân Anh đánh giá như thế nào về cơ hội thành công của những người trẻ là bao nhiêu khi con đường kinh doanh bị coi là "khác thường", "dị biệt"?
Ông Hà Xuân Anh: Cơ hội thành công, kinh doanh bước đầu mặc nhiên phải đánh giá được dự án đó có cơ hội thành công trên 50% hay không. Nếu dưới 50% cơ hội thì không nên thực hiện. Ngoài ra, nên hỏi những người có kinh nghiệm góp ý chứ không nên quá mạo hiểm.
Nguồn: BizLive

 

Nguồn: BizLive