Tin tức & Sự kiện
news & event
21 02 / 2002

Làm giàu nơi "mắt bão"

Chắc hẳn khi chọn tên Mắt Bão để đặt cho công ty của mình, cậu sinh viên Lê Hải Bình (Giám đốc Công ty Mắt Bão) không ngờ rằng trong thương trường, muốn vào được nơi "tĩnh lặng" như mắt bão, anh phải sống sót và vượt qua những sóng gió, cạnh tranh khốc liệt.
Những khó khăn trên con đường lập nghiệp của Hải Bình cũng là bài học chung cho nhiều bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp bằng con đường lập công ty…

Khởi nghiệp
 
Năm 2001, cậu sinh viên Lê Hải Bình (quê Đà Lạt, học ngành Công nghệ thông tin ĐH Bách khoa TP.HCM) đã phải lăn lộn làm thêm cho nhiều công ty phần mềm để vừa kiếm tiền ăn học vừa tích lũy kinh nghiệm. Năm 2002, Bình thành lập Công ty Mắt Bão chuyên cung cấp dịch vụ trực tuyến trên mạng. Toàn bộ tài sản ban đầu có 15 triệu và 3 cái máy tính, Bình chỉ dám thuê một phần của tầng 3 căn nhà ở quận 11, TP Hồ Chí Minh làm trụ sở. "Công ty 5 người, tôi và một anh bạn tên Huy Phong, vừa làm giám đốc, phó giám đốc vừa làm sale, vừa làm lập trình viên, kiêm kế toán và kiêm tất cả những gì có thể kiêm được", Lê Hải Bình nheo mắt cười khi nhớ lại ngày đầu lập nghiệp.
 

64.jpg
Lê Hải Bình - Những năm tháng mới bắt đầu Mắt Bão

Lao đao trong bão
 
Bình và Phong sẵn sàng vất vả, chấp nhận làm cả ngày lẫn đêm để mong "sống" qua cơn khát việc làm. Tuy nhiên, có năng lực chuyên môn tốt chưa đủ, vốn lớn nhất là khách hàng thì Mắt Bão lại chưa có. Bình vẫn biết công ty mới phải tạo dựng uy tín dần dần nhưng hóa đơn tiền nhà, rồi chi phí văn phòng không đợi được anh, nhân sự giỏi không có việc cũng sẽ ra đi. Không thể ngồi chờ, Bình đã quyết định ra một chiêu khuyến mãi vào loại "choáng" thời bấy giờ: làm web miễn phí. Huy Phong, người bạn thân cùng lập công ty với Hải Bình nhớ lại: "Hồi đó các công ty lớn thường nhận hợp đồng làm web doanh nghiệp, tổ chức với giá từ 2.000 USD trở lên, chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên tung ra gói khuyến mãi "free" chi phí làm web.

Chúng tôi đã có việc làm cả năm sau nhờ cú khuyến mãi táo bạo này. Chỉ trong 2 tháng đã có tới 80 hồ sơ đặt hàng làm web. Không thu được phí ban đầu nhưng hơn nửa số khách hàng sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng đã cho chúng tôi việc làm trong thời điểm khó khăn nhất và cũng chính họ là các khách hàng tiềm năng của Mắt Bão sau này".

Năm 2004, Bình quyết định tập trung vào lĩnh vực cung cấp hosting và các gói dịch vụ mạng. Vấn đề đặt ra với Mắt Bão khi ấy là làm thế nào để phát triển được thị trường trong khi các nhà cung cấp dịch vụ mạng như FPT, VDC... đã chiếm thị phần lớn từ vài năm trước đó.

Tìm được "vàng" khi cung cấp dịch vụ mạng
 
Sau nhiều tháng tìm hiểu, các thành viên Mắt Bão đã tìm ra con đường đi cho mình. Trong khi các công ty khác thường chỉ tập trung vào làm theo đơn đặt hàng của khách thì Bình đã đặt mình vào vị trí của khách hàng để tự đề ra các yêu cầu, anh gặp gỡ các doanh nghiệp để hiểu về nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Sau đó, Hải Bình cùng cộng sự hoàn thiện những gói dịch vụ mở rộng và giới thiệu cho khách hàng.

Với cách làm này, Mắt Bão đã dần dần chiếm được thị phần và trở thành một trong ba nhà cung cấp tên domain/hosting lớn nhất Việt Nam (theo đánh giá của website thương mại điện tử nổi tiếng webhosting.info thuộc tập đoàn Amazon), đồng thời cũng được Trung tâm quản lý tên miền Việt Nam-VNNIC cấp quyết định làm nhà đăng ký tên miền Việt Nam chính thức, và gần đây nhất, được cấp giấy phép OSP (Online Services Provider - Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên internet hay còn gọi là giấy phép cung cấp dịch vụ trực tuyến).

Khi công ty phát triển mạnh cũng là lúc Mắt Bão phải đối diện với những "cơn lốc" hacker. Ngày 2.9.2004, một số máy chủ của Bình bị hacker tấn công. Dữ liệu, bí mật thông tin của khách hàng có nguy cơ bị tiết lộ. Bình bỏ dở kỳ nghỉ, chạy thẳng về TP.HCM cùng nhóm kỹ thuật dốc sức phục hồi lại hệ thống. "Đó là bài học lớn cho chúng tôi, hiện giờ chúng tôi xác định bảo mật công nghệ là yếu tố sống còn", Bình nói. Cách bảo mật của ông giám đốc Mắt Bão là tập trung vào bảo mật cho cả hệ thống cũng như các sản phẩm riêng biệt. Mỗi thành viên trong nhóm dự án chỉ làm các công đoạn khác nhau. Chỉ có giám đốc kỹ thuật là người duy nhất tập hợp và sửa lỗi cuối cùng. Gần 10 người thuộc bộ phận kiểm tra, vá lỗi trong công ty luôn làm việc liên tục để hạn chế các cuộc tấn công vào hệ thống".

Lê Hải Bình:
"Thất bại lớn nhất của tôi"

"Tôi đã lập web về tuyển dụng trực tuyến (webvieclam.com) ở thời điểm mà VietnamWorks chưa ra đời, các web về việc làm trực tuyến cũng chưa có, nhưng tôi đã thất bại và phải rút lui khỏi lĩnh vực việc làm trực tuyến. Đó là một thất bại. Sau này mới hiểu rằng nếu chỉ áp dụng cái đầu của một người làm kỹ thuật vào kinh doanh sẽ khó mà phát triển được. Muốn vào thương trường, ngoài kỹ thuật, anh phải có góc nhìn sáng tạo để tìm ra con đường cho riêng mình. Công ty lớn có lợi thế của công ty lớn, công ty nhỏ cũng có những lợi thế của công ty nhỏ. Người khổng lồ khó có thể tỉ mẩn nhặt từng viên sỏi trên đường đi nhưng cậu bé tí hon có thể cần mẫn nhặt sỏi và từ viên sỏi đó có thể xây lâu đài. Ai cũng bắt đầu từ một công ty nhỏ, nếu anh chăm sóc từng khách hàng thật chu đáo, biết chăm sóc yếu tố con người để phát triển bền vững thì không sợ thất bại".

Theo Káp Thành Long
Báo Thanh Niên - Câu chuyện lập nghiệp